"Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Câu ca đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, là sự tưởng nhớ, sự trở về với cội nguồn của dân tộc.
Ngày Giỗ Tổ - sợi dây kết nối văn hóa giữa các thế hệ
Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang.
Từ truyền thuyết "bọc trăm trứng”, mọi người dân Việt Nam đều là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.
Giỗ Tổ càng trở nên có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - khát vọng trở thành quốc gia hùng cường. Trong những biến chuyển đó, người dân cần một điểm tựa văn hóa, cần một biểu tượng chung để giữ lại cảm giác thuộc về và Giỗ Tổ Hùng Vương chính là điểm hội tụ như thế.
Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh thiêng liêng, nghi lễ dâng hương có thể khiến ta lặng người trước không gian của lịch sử, trước bầu không khí không chỉ thấm đẫm hương trầm mà còn ngập tràn tình yêu nước.
Không chỉ ở Phú Thọ, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ, mở rộng không gian tưởng nhớ tổ tiên đến mọi người.
Đối với người Việt ở nước ngoài, dù ở Âu, Mỹ hay châu Á, ngày Giỗ Tổ như một sợi dây kết nối văn hóa giữa các thế hệ với đất mẹ Việt Nam.
Khát vọng tương lai trong kỷ nguyên mới của đất nước
Giỗ Tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Đối với nhiều người dân, được đến Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao và là cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc.
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho biết, mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình chị đều đến dâng hương tại đền Hùng vào ban ngày. Năm nay, gia đình chị quyết định tham gia tour đêm đền Hùng để hưởng trọn vẹn không gian linh thiêng, bình yên nơi mảnh đất này.
Anh Trịnh Văn Đăng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã đi Đền Hùng vài lần nhưng đây là lần thú vị nhất bởi được hành hương lên đền Thượng vào buổi tối để kính lễ các vua Hùng. Điều đó giúp tôi cảm nhận trọn vẹn không gian linh thiêng của di tích và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khi cả nước đều hướng về nguồn cội".
Cùng chung tâm trạng phấn khởi, anh Bùi Hoàng Anh (kiều bào ở Cộng hòa liên bang Nga) bày tỏ, hành hương về nguồn chính là dịp hòa mình vào bản sắc văn hóa đất nước, giáo dục truyền thống cho con cháu sau này, dù có đi khắp bốn phương trời thì cũng biết đâu là tổ tông, nguồn cội để tìm về.
Hành hương về với Đền Hùng là về với những địa danh, địa chỉ tin cậy và ấm áp. Đó là một xóm núi Thậm Thình với sự tích vua tôi cùng cày ruộng, giã gạo trong thơ Nguyễn Hữu Quý: “Thậm Thình vọng tiếng chày đêm/ Lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa”.
Đó là nơi in đậm trong ký ức từng người dân đất Việt với những câu thơ “Đi qua xóm núi Thậm Thình. Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm” trong bài thơ “Qua Thậm Thình” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi; là hình ảnh cột đá thề qua vần thơ của nhà thơ Nguyễn Cảnh Tuấn: “Đá thề nhắn người sau/ Gươm bao đời tuốt vỏ/ Dấu binh đao khói lửa/ Trong sắc màu đá tươi”…
Đó cũng chính là nơi mà bên bậc thềm của Đền Hùng trước khi về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Hướng mắt về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thiêng liêng, ta nhận ra rằng mặc cho theo dòng chảy thời gian nhiều thứ có thể đổi thay, nhưng Đất Tổ, tinh thần Tổ tiên thì mãi mãi không đổi dời. Trong dòng người thành kính hướng về nguồn cội hôm nay, có tôi, có bạn, có chúng ta - những người đang sống cống hiến hết mình cho Tổ quốc để vững vàng tiến bước đến tương lai tươi sáng của ngày mai.