Formosa đặt ống xả thải ngầm: Quản lý thế nào?

Ngân Thương| 25/04/2016 14:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ TN-MT khẳng định, đường ống ngầm dẫn nước thải đổ ra biển của Formosa là hợp pháp. Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, cơ quan chức năng sẽ quản lý việc xả thải qua ống ngầm này như thế nào?

Trên thực tế những ngày vừa qua, nếu không có hiện tượng cá chết thì dư luận hoàn toàn không biết rằng, Formosa đã đặt một ống ngầm khổng lồ để xả thải ra biển.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân phát biểu thì việc xây dựng đường ống ngầm của Formosa được Bộ TN-MT chấp thuận từ năm 2014, do đó đây là đường ống hợp pháp. Nguồn nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam mới được xả qua đường ống này.

Cũng khẳng định việc xây dựng đường ống xả ngầm của Formosa là hợp pháp, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết, giấy phép xả thải của Formosa là giấy phép có điều kiện. Nước thải phải đảm bảo các điều kiện được quy định. Và thời điểm được cấp phép thì chất lượng nước thải của Formosa đảm bảo tiêu chuẩn.

Formosa đặt ống xả thải ngầm: Quản lý thế nào?

Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cá chết dọc bờ biển miền Trung

Thế nhưng, dư luận lại hết sức lo ngại sau khi cơ quan chức năng cung cấp thông tin liên quan đến đường ống xả thải ngầm của Formosa. Câu hỏi lớn đặt ra là cơ quan chức năng sẽ quản lý thế nào khi doanh nghiệp gian dối?

Chính Thứ trưởng Nhân cũng đã phát biểu “Hệ thống xả thải này là hợp pháp. Chỉ có điều họ xả cái gì, xả như thế nào là một vấn đề khác”. Như vậy ngay cả cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng không quản lý, kiểm soát được hoạt động xả thải của Formosa. Từ đó dẫn đến việc, sau khi cá chết dọc biển miền Trung thì cơ quan chức năng vẫn loay hoay không tìm ra được nguyên nhân.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc cho xây dựng đường ống ngầm xả thải ra biển là lợi bất cập hại. Thứ nhất, chúng ta hoàn toàn không kiểm soát được chất lượng tiêu chuẩn nước thải. Minh chứng cho điều này là định kỳ 3 tháng cơ quan chức năng mới kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại Formosa. Trong khi đó, doanh nghiệp này xả thải từng ngày, từng giờ.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp không chấp hành quy định về tiêu chuẩn nước xả thải ra biển thì hậu quả khôn lường. Cá chết chỉ là hậu quả nhãn tiền, còn sau đó là hệ lụy lâu dài, khó khắc phục, nhất là khi chất độc ngấm vào môi trường đất, nước. Hơn nữa việc truy tìm nguồn gốc, chất gây ô nhiễm chứa độc tố là hết sức khó khăn. Thậm chí là doanh nghiệp sẵn sàng phủ nhận việc mình gây ra nếu cơ quan chức năng không có kết luận rõ ràng, điều tra nghiêm túc về vụ việc này.

Phát biểu trên báo chí, ông Đào Viết Cường, Phó chi cục Hải quan cửa khẩu Vũng Áng cho biết, hồ sơ thông quan cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa) nhập khẩu số lượng lớn nhiều loại hóa chất liên quan như hóa chất chống gỉ, chống ăn mòn, làm sạch bề mặt kim loại, kháng khuẩn, khử trùng, truyền nhiệt, hút tạp chất...Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2016, Formosa đã nhập khẩu gần 300 tấn các loại hóa chất này. Mục đích nhập khẩu các chất cực độc này là để súc rửa hệ thống đường ống xử lý chất thải.

Formosa đặt ống xả thải ngầm: Quản lý thế nào?

Minh họa đường ống ngầm xả thải của Khu CN Vũng Áng (VTC14)

Dư luận đặc biệt nghi ngờ, Formosa đã xả thải trực tiếp ra biển không qua xử lý sau những lần súc rửa ống xả thải mà không hề thông báo lịch trình, quy trình cho cơ quan chức năng địa phương.

Theo thông tin từ Bộ TN-MT thì nhiều ngày nữa, sẽ có kết quả kiểm tra mẫu nước thu được từ các điểm nhạy cảm trong hệ thống xả thải, miệng ống xả thải của Formosa. Và dù kết quả thế nào, thì những gì diễn ra trước mắt đã cho thấy việc quản lý, kiểm soát về vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta rất bị động, lỏng lẻo và yếu kém.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Formosa đặt ống xả thải ngầm: Quản lý thế nào?