Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô đang có những diễn biến phức tạp, Thành phố Hà Nội đã quyết định giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 6h ngày 24/7.

Thực hiện lệnh giãn cách xã hội, tại các tuyến phố trung tâm của thành phố ít phương tiện qua lại. Nhiều con phố vốn sầm uất, xe cộ ùn ùn vào giờ cao điểm cũng trở nên thông thoáng. Các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa khiến đường phố không còn cảnh tập nập, đông người như trước.

hanoi-6.png
Những tuyến đường cao tốc huyết mạch, những đại lộ, các tuyến đường lớn của Hà Nội nay vắng người qua lại, nhịp sống ồn ào, tấp nập của Thủ đô nay chậm lại để cùng cả nước chống dịch Covid-19.
hanoi-3(1).png

Trong tuần đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi… hàng hóa dồi dào, giá cả hàng hóa thiết yếu tương đối ổn định.

Để chuẩn bị cho việc phòng, chống dịch, các doanh nghiệp và hệ thống phân phối lớn trên địa bàn đã thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội.

Không chỉ tại các siêu thị và trung tâm thương mại, các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa… cũng tăng cường nguồn cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu mua sắm cho người dân trong giai đoạn dịch bệnh.

Nhiều mô hình hay cũng được áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh, như việc kẻ ô, căng dây chắn và lắp thêm các tấm nhựa... vừa hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và người bán tại các chợ truyền thống, song vẫn đảm bảo việc mua hàng được nhanh chóng, thuận tiện.

Nhiều chợ đã sắp xếp lại gian hàng, lắp tấm che và bố trí lối đi 1 chiều dành cho nhân dân đảm bảo hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp.

Đáng chú ý, nhiều địa phương như quận Tây Hồ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… đã áp dụng việc phát phiếu cho người dân đi mua hàng theo ngày chẵn, lẻ, vừa đảm bảo mua hàng và an toàn phòng chống dịch bệnh.

hanoi-5.png

Sau một tuần giãn cách theo Chỉ thị 16, khu chợ Nhân Chính (Thanh Xuân) đã có cách bán mua khác hẳn ngày thường. Gần như các mặt hàng rau dưa thịt cá đều bán hết ngay từ sáng sớm. 7 giờ sáng ra đến chợ chỉ còn lèo tèo vài hàng rau, hàng thịt. 

Cũng không thấy một ai ngồi xuống bên gánh rau, rổ thịt mà chọn lựa như mọi ngày. Lần đầu tiên thấy khu chợ im ắng đến lạ kì. Những quầy hàng nằm sâu trong chợ dĩ nhiên vắng ngắt. Người mua lác đác bước vào và vội vã quay ra ngay lập tức khi đã mua được thứ mình cần.

Cũng trong những ngày hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà, mọi người quay về những giá trị truyền thống rõ hơn bao giờ hết: Bữa cơm nhà lại đều đặn và đầy đủ thành viên hơn; chủ động trồng thêm rau trên sân thượng, tận dụng vài khoảng trống trong nhà đặt chậu cây con; tham gia các hội nhóm học nấu nướng; cha mẹ dành nhiều thời gian quây quần cùng con cái… 

7 ngày qua, căn nhà ở ngõ 252 Tây Sơn (Đống Đa) của chị Nguyễn Thị Hằng luôn rộn tiếng cười. Chị Hằng chia sẻ, nhiều người cho rằng giãn cách xã hội phải ở nhà là khó chịu, không biết làm gì cho hết quãng thời gian này. Nhưng với chị thì không. Cửa hàng kinh doanh của chị tạm đóng cửa, công ty nơi chồng chị làm việc cho phép nhân viên sắp xếp làm việc online tại nhà nên chính khoảng thời gian này lại giúp gia đình chị có cơ hội gần nhau, có cơ hội hiểu nhau hơn; cùng nhau dạy học và chơi cùng con trai nhỏ.

hanoi-13.png
Những người trẻ ở nhà làm nhiều hoạt động khác nhau như đọc sách, tập thể dục, trồng cây, trau dồi kỹ năng, ngoại ngữ..., họ xem khoảng thời gian giãn cách xã hội là cơ hội tốt để “sống chậm” và “khởi động lại” bản thân.

Những ngày giãn cách cũng là lúc việc ngày thường luôn bị gác lại bởi lý do bận bịu công việc, thì nay nhiều người trẻ đã có thời gian để thực hiện...

Chẳng hạn, chị Lê Thùy Dung (ở Thanh Xuân) dành thời gian đọc nhiều sách. “Một số quyển sách tôi mua cả năm nhưng vẫn chưa đọc trang nào. Tôi học làm bánh và nấu ăn, mở video hướng dẫn yoga trên mạng, tập theo để “tĩnh tâm”. Cuộc sống chậm lại, tôi bắt đầu yêu thương bản thân mình hơn. Tranh thủ tập thể dục để có sức khỏe cũng là cách bản vệ mình vào thời điểm này”, chị nói.

Còn anh Nguyễn Trọng Thái (ở Cầu Giấy) tranh thủ dọn nhà, sắp xếp lại dàn mô hình, chăm cây cảnh của mình. “Sáng mở ti vi xem tin tức rồi ôn luyện thêm tiếng Anh, đem mấy bộ mô hình ra mày mò sắp xếp lại. Tôi cũng bắt đầu liên lạc hỏi thăm mấy người bạn ở quê, gọi điện thoại về gia đình ở quê nhiều hơn để họ an tâm”, anh nói.

Ở trong thành phố giãn cách, đêm xuống, trên những con phố vắng người, những tòa nhà cao tầng đồng loạt thắp sáng trái tim yêu Hà Nội, như một sự tri ân, một sự chia sẻ với những người đang sống và chống lại dịch bệnh. Lời nhắn nhủ “Ở yên khi Tổ quốc cần” được mọi người, mọi nhà ủng hộ, tuân thủ nghiêm túc và chia sẻ lên mạng xã hội như một thông điệp để cùng chung tay chống dịch.

hanoi-7.png

Trong công tác thực hiện phòng chống dịch, hoạt động phun khử khuẩn đã và đang được ngành chức năng thành phố tích cực triển khai. Đây là lần đầu tiên Hà Nội phun khử khuẩn diện rộng để phòng dịch bệnh Covid-19 lây lan.

h15.jpeg
Binh chủng hóa học (Bộ Quốc phòng) và Bộ tư lệnh Thủ đô tổ chức phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh Nam Nguyễn
h16.jpeg
Công tác phun khử khuẩn được diễn ra khẩn trương bởi các chuyên gia nhận định đây chính là thời điểm "vàng" để Hà Nội chặn đứng các chuỗi lây nhiễm, tránh nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ảnh Nam Nguyễn

Thành phố cũng đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin. Từ ngày 27/7, Hà Nội bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả 3 loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Theo Sở Y tế Hà Nội công bố trước đó, đây là chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, sẽ kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022).

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 - 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vắc xin bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

hanoi-8.png

Hoạt động ra vào thành phố cũng được kiểm sát chặt chẽ. Lực lượng Công an các phường đã đi tuần tra, lập chốt trên các tuyến đường… để xử lý những trường hợp ra ngoài với lý do không thực sự cần thiết.

Ngày 30/7, Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ 11h ngày 29/7 đến 11h ngày 30/7, lực lượng chức năng đã xử phạt khoảng 7 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.

h12.jpeg
hanoi-9.png

Theo Công an thành phố Hà Nội, sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 17, người dân đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Tại các tuyến đường, lượng phương tiện giảm hẳn. Tại các chốt cửa ngõ vào Thủ đô, lực lượng chức năng phân luồng đối với các xe có luồng xanh, các xế cũng đã nắm được các quy định nên không còn xảy ra tình trạng ùn tắc.

Tuy nhiên, có nơi, có chỗ, việc thực hiện giãn cách chưa thực sự triệt để; nhiều trường hợp chưa nâng cao ý thức tự giác, ra ngoài không có lý do, cá biệt có trường hợp chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng khi làm việc.

Thời gian tới, các đơn vị của Công an thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, quyết tâm cùng toàn thể hệ thống chính trị và người dân Thủ đô chung sức, đồng lòng chiến thắng được dịch bệnh.

hanoi-10.png

Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 29/4 đến ngày 30/7, Hà Nội có 1.100 trường hợp dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 663, số ca mắc được cách ly là 437. Trong 1 tuần giãn cách xã hội, Hà Nội tăng cường xét nghiệm sớm để phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.

bieudo.jpeg
Biểu đồ số ca Covid-19 ở Hà Nội sau gần một tuần thực hiện Chỉ thị 16. Nguồn số liệu: CDC Hà Nội

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định: Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Hà Nội đã đưa ra biện pháp chống dịch từ rất sớm. Thành phố chủ động xét nghiệm sàng lọc người triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng và khi dịch có dấu hiệu lan rộng, thành phố thực hiện giãn cách xã hội ngay.

Bên cạnh đó, Hà Nội tổ chức phòng, chống dịch rất nghiêm, đến nay các ổ dịch tiếp tục được theo dõi, từng bước kiểm soát, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, số ca bệnh dù có tăng nhưng không nhiều và đến hôm qua thì giảm rõ rệt. Do đó hoàn toàn có thể hy vọng Hà Nội sớm dập dịch sau 15 ngày giãn cách.

Dù nhiều tín hiệu mừng trong phòng chống dịch ở Hà Nội nhưng theo ông, Hà Nội còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, vẫn xuất hiện các ca qua sàng lọc nên nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào nếu chủ quan. Do đó, việc dập được dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân.

Nội dung + Đồ họa: Thảo Nguyên

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Emagazine: Hà Nội sau một tuần giãn cách xã hội