Doanh nghiệp - Doanh nhân

Duy Xuyên (Quảng Nam): Sức mạnh doanh nghiệp là cốt lõi của phát triển kinh tế

Hải Nam 04/10/2023 - 15:37

Thời gian qua, cùng với những thành phần kinh tế khác thì các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Có thể khẳng định, sức sống của nền kinh tế Duy Xuyên phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe cũng như sức mạnh và sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Sức sống mới của nền kinh tế Duy Xuyên

Có thể khẳng định: Sức sống của nền kinh tế Duy Xuyên phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe cũng như sức mạnh và sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Bởi lẽ, kinh tế doanh nghiệp chiếm trên 95% trong tổng số các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện, đồng thời tỷ lệ sử dụng lao động cũng chiếm tỷ trọng tương ứng.

Đây là mục tiêu trọng tâm mà Duy Xuyên hướng đến những năm tới, với nhiệm vụ, giải pháp là cần tập trung đẩy mạnh phát triển về số lượng doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Duy Xuyên trở thành Thị xã theo mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân huyện nhà.

Được biết, toàn huyện Duy Xuyên hiện có 714 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động địa phương.

dx1.jpg
Huyện Duy Xuyên quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, có nhiều dự án hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực trong kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho huyện.

Trong 9 tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của hậu Covid-19. Tuy vậy, nhờ triển khai và tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp hữu hiệu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đảm bảo ổn định, kinh tế của huyện duy trì đà tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng; sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển tích cực. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm là 771,680 tỷ đồng đạt 72,4% so với dự toán huyện giao, đạt 92,3% dự toán tỉnh giao.

Duy Xuyên cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hoạt động của các HTX trên địa bàn. Quan tâm và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, doanh nhân khu vực nông thôn đã tạo được những chuyến biến tích cực, mở ra hướng mới cho việc liên kết phát triển nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, nhờ đó nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao, đây là sản phẩm nông nghiệp khẳng định thương hiệu, chất lượng của huyện Duy Xuyên.

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay thời gian qua, huyện Duy Xuyên cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để hỗ trợ doanh nghiệp.

Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được huyện đẩy mạnh. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy lợi thế của các trang mạng xã hội nhằm chia sẽ, phổ biến, cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp được thường xuyên và qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

“Trong đó, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng dần mức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại huyện và các xã, thị trấn.

dx2.jpg
Dù còn nhiều khó khăn nhưng sức sống của nền kinh tế Duy Xuyên phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe và sự phát triển của doanh nghiệp.

Huyện cũng có biện pháp xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân. Đặc biệt, huyện luôn xem sức mạnh của các doanh nghiệp là sức mạnh của huyện nhà, việc phát triển của các doanh nghiệp sẽ là thước đo chuẩn xác nhất cho sự phát triển kinh tế chung của huyện”, ông Phúc cho hay.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại huyện Duy Xuyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, thiếu khớp nối hạ tầng cụm công nghiệp,... nên sản xuất bị ảnh hưởng. Theo các doanh nghiệp, vấn đề thủ tục hồ sơ, giải quyết vấn đề đất đai, hạ tầng cụm công nghiệp,... đang ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Huỳnh Văn Chính – Chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may 29/3 Đà Nẵng cho hay đơn vị đang triển khai xí nghiệp Duy Trung về may mặc tại CCN Tây An và đã thuê đất để chờ thi công nhà xưởng. Theo ông Chính, doanh nghiệp đã mua lại tài sản trên đất và quyền sử dụng đất hàng chục tỷ đồng nhưng nhiều năm qua chưa thể hoạt động vì do nguyên nhân bất khả kháng và muốn được gia hạn tiến độ.

“Thế nhưng, hiện nay quy định lại có thêm khoản thu tiền ký quỹ rất khó khăn, như vậy là hơi máy móc và gây tốn thêm chi phí bởi doanh nghiệp đã đầu tư là chắc chắn sẽ làm. Chính quyền nên duyệt đề án để doanh nghiệp đầu tư, sau đó xin giấy phép xây dựng, khi có giấy phép sẽ thi công ngay và thời gian thi công trong khoảng 1 năm. Vì vậy đừng nói chuyện tiến độ nữa, hãy hỗ trợ thủ tục để doanh nghiệp sớm triển khai”, ông Huỳnh Văn Chính đề xuất.

Tương tự, bà Trần Thị Hiển – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Đại Dương Kính cho rằng hạ tầng của cụm công nghiệp Tây An vẫn còn khá nhếch nhác, đường giao thông khó khăn để vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó là hệ thống thu gom xử lý nước thải tại đây vẫn chưa được đầu tư.

“Ngoài ra, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ dù gửi năm 2020 đến nay chưa được giải quyết đã ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp khi hoạt động, xúc tiến đầu tư với các đối tác. Tại TP. Đà Nẵng chỉ có văn phòng tiếp nhận, trong khi đó số điện thoại của Cục thì không liên hệ được, rất khó khăn trong việc làm chứng nhận của doanh nghiệp. Một vấn đề nữa là Bộ Xây dựng có quy định yêu cầu thẩm định nguyên vật liệu xây dựng nhập khẩu nước ngoài thông qua Sở Xây dựng cũng ảnh hưởng đến thời gian, hoạt động của doanh nghiệp, vì như vậy là quá máy móc”, bà Hiển nói.

dx3.jpg
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động địa phương

Trả lời các vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị, ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay khi doanh nghiệp tiến hành dự án mà chậm tiến độ thì sẽ trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở này có ý kiến đến các đơn vị liên quan. Theo ông Đức, địa phương cũng sẽ có ý kiến về việc gia hạn tiến độ để doanh nghiệp tiếp tục triển khai.

“Sau đó, việc cấp phép xây dựng là do huyện cấp phép, không phải Sở Xây dựng, giấy phép môi trường thì huyện cũng sẽ cấp, đây là một thuận lợi đối với địa phương và doanh nghiệp. Đối với vấn đề về hạ tầng cụm công nghiệp, địa phương sẽ triển khai trước tại các khu vực đã có doanh nghiệp hoạt động, tuy nhiên nguồn đất đắp đang gặp nhiều khó khăn nên sẽ tập trung làm từng tuyến, đối với khu vực chưa có doanh nghiệp sẽ đợi làm sau”, ông Nguyễn Thế Đức trả lời.

Còn lại, với vấn đề thủ tục hồ sơ đất đai thì địa phương cũng sẽ xem xét để giải quyết cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề này cần có thời gian và cộng đồng doanh nghiệp cần phải đợi khi các cơ quan liên quan có câu trả lời.

Trao đổi với doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam nhìn nhận doanh nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh và tình hình thế giới phức tạp, thuế suất toàn cầu 15% với doanh nghiệp FDI, giá nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng đứt gãy,... Cụ thể với huyện Duy Xuyên, ông Văn cho rằng tình hình thu hút đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

“Đối với việc kiến nghị, doanh nghiệp cần sớm gửi thông tin, khó khăn, vướng mắc về huyện để địa phương tổng hợp, gửi tỉnh xem xét giải quyết. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chia sẻ với cơ quan, chính quyền trong bối cảnh hiện tại, trước đây có thể thiếu thủ tục rồi bổ sung sau, tuy nhiên hiện nay rất khó, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục. Và hơn hết, các doanh nghiệp phải làm đúng để các cơ quan nhà nước bớt “khó xử”, ông Văn nói.

Theo UBND huyện Duy Xuyên, trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện không tiếp nhận dự án mới, chỉ tiếp tục hướng dẫn chủ đầu tư triển khai các thủ tục theo quy định đối với các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có chủ trương đầu tư và các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn. Trong giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp vừa lo phát triển kinh tế vừa lo chống dịch nên rất cần được hỗ trợ. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện thời gian qua tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn khi sản lượng đơn hàng, quy mô đơn hàng giảm mạnh khiến doanh nghiệp hoạt động sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm, giảm công nhân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy Xuyên (Quảng Nam): Sức mạnh doanh nghiệp là cốt lõi của phát triển kinh tế