Đất nước chuẩn bị bước vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mỗi người cần phải tỉnh táo, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi tiếp nhận và định chia sẻ những thông tin liên quan đến sự kiện chính trị trọng đại này. Đừng để mình trở thành "con rối", tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.
Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa là Đại lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra. Đây cũng chính là thời điểm các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta một cách điên cuồng. Không chỉ các lực lượng liên quan trực tiếp đến công tác Đại hội, mà từng người dân cũng phải luôn đề cao cảnh giác, không một phút giây lơi là.
Việt Nam chúng ta là quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến tháng 1/2020, trong số 96,9 triệu dân cả nước có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) dùng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; 65 triệu người (chiếm 67% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Mạng xã hội đã trở thành "mặt trận", công cụ hữu hiệu để các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đưa thông tin xấu, độc hại chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Chúng tập trung vào một số hoạt động như: Tạo lập hàng ngàn trang mạng xã hội, mới nhất là các kênh YouTube Nguyễn Văn Đài, Lê Dũng Vova,… trong đó nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức có uy tín, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường, dân sinh để thu hút người đọc, qua đó lan truyền các nội dung chống Đảng, Nhà nước.
Sử dụng các đài, báo bên ngoài kết hợp các kênh mạng xã hội để viết bài, cắt ghép, nhào nặn video xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.
Lan tỏa các thông tin lượm lặt từ báo chí trong nước và từ tài khoản Facebook của một số cá nhân có quan điểm cực đoan trong nước nhằm phê phán chính quyền, Đại hội Đảng các cấp.
Tổ chức soạn thảo, phát tán “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”, “đơn kêu cứu”,… để thu hút sự chú ý của dư luận, cổ súy hoạt động của một số đối tượng có quan điểm cực đoan…
Điển hình như, thời gian qua, quyết tâm phòng chống, bài trừ tệ nạn tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã hành động quyết liệt để xử lý những vụ án tham nhũng lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, khởi tố, thậm chí có cả cán bộ cấp cao đương chức. Lợi dụng thực tế này, các phần tử phản động và các trang mạng xã hội đã xuyên tạc cuộc chiến chống tham nhũng thực chất là "cuộc đấu đá nội bộ", từ đó nhằm tạo ra cái nhìn sai lệch của nhân dân và cộng đồng quốc tế về tình hình trong nước.
Hay như liên quan Dự thảo văn kiện Đại hội XIII được hình thành qua một quá trình chuẩn bị công phu với rất nhiều bước, nhiều công việc. Bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, người Việt Nam ở nước ngoài. Việc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân có vai trò hết sức quan trọng, không những góp phần nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện mà qua đó còn khẳng định “ý Đảng, lòng dân là một”.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc về nội dung văn kiện Đại hội XIII là sự “sao chép”, là biến tấu từ văn bản các đại hội trước, nội dung không có giá trị gì so với sự phát triển của đất nước mà ngược lại là nhân tố kìm hãm sự tiến bộ của dân tộc ta; văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ là những vấn đề sáo rỗng, giáo điều, bảo thủ, khư khư ôm giữ chủ nghĩa Mác - Lênin để duy trì quyền lực của Đảng... Từ đó, họ kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn viết bài tung lên Internet, mạng xã hội, tạo dư luận đòi Việt Nam phải thay đổi toàn bộ “bộ khung” hiện nay, tức là thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, “xã hội dân sự” và “đừng trông chờ vào Đại hội XIII của Đảng” không thể đưa đất nước đổi mới, phát triển.
Đặc biệt, các đối tượng xấu còn tiến hành phá hoại công tác nhân sự. Chúng đưa ra những bài viết, bình luận kiểu như "Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư", "Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng"… Chúng đưa ra các luận điệu như công tác cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu "áo gấm đi đêm"; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ "không có dân chủ"… nhằm phá hoại an ninh chính trị nội bộ, phá hoại sự kiện chính trị - xã hội quan trọng nhất của đất nước.
Đứng sau những hành vi chống phá vô căn cứ này là các phần tử cơ hội chính trị, phần tử thoái hóa biến chất trong nước và cả những mưu đồ đen tối của các thế lực phản động nước ngoài.
Cùng với đó, là một bộ phận không ít cư dân mạng có tư duy mạng xã hội là môi trường "ảo" nên đã phát ngôn thoải mái với những hành động, lời lẽ thiếu suy nghĩ. Điều này đã vô tình tiếp tay để các thế lực thù địch, chống đối suy diễn, lợi dụng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận nhân dân.
Xét về góc độ pháp lý, rõ ràng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để đăng phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ nhằm xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.
Nhìn từ góc độ đạo đức, những biểu hiện xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, hạ thấp uy tín cán bộ là việc làm không đúng đắn, không nhân văn giữa con người với con người.
Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc nhận thức tin giả, tin sai sự thật và tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn còn nhiều gian nan chưa có điểm dừng, nhất là khi công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, mỗi người đọc cần là công dân toàn cầu một cách có ý thức, thông minh và có đạo đức thì câu chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đặc biệt trong thời điểm đất nước sắp bước vào sự kiện chính trị hệ trọng, là ngày hội lớn của đất nước, được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trông đợi sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công cuộc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện khát vọng phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mỗi người cần phải tỉnh táo, nâng cao trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi tiếp nhận và định chia sẻ những thông tin liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành "con rối", tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.