Lâu nay, nhiều câu từ trong Bộ Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ kèm nhiều quy tắc, điều khoản còn tối nghĩa, chưa rõ ràng. Đây là một trong những lý do dẫn đến tranh chấp bảo hiểm.
Trong nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà tòa án đã giải quyết, có những vụ công ty bảo hiểm căn cứ vào tài liệu được thu thập sai quy định để từ chối chi trả bảo hiểm.
Thực tế, nhiều người không nhận được bồi thường thiệt hại do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thường gặp phải là bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài gần 100 trang với đầy rẫy thuật ngữ tài chính phức tạp, đa nghĩa... chẳng khác nào muốn đẩy khó về người mua.
Hợp đồng rối rắm, các điều khoản không rõ ràng... dẫn đến cách hiểu khác nhau là những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp giữa người mua và người bán bảo hiểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng những câu từ khó hiểu, tối nghĩa… là cái cớ để công ty bảo hiểm từ chối bồi thường, song thực tế thì không hẳn vậy, bởi hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm đã được các công ty bảo hiểm sử dụng để chi trả quyền lợi bảo hiểm trong suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, trong nhiều lý do mà công ty bảo hiểm viện dẫn để từ chối bồi thường, yếu tố liên quan đến câu chữ trong điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm vẫn thường được áp dụng khiến khách hàng phản ứng.
Trên thực tế, nhiều trường hợp công ty bảo hiểm cố ý “cài cắm” câu chữ, “đánh lận con đen” để gây thiệt thòi cho người mua bảo hiểm (không được bồi thường, trả quyền lợi bảo hiểm) đã được chỉ ra dưới sự hỗ trợ của luật sư hay công ty tư vấn dịch vụ pháp lý.
Cũng phải nói thêm rằng, nhà bảo hiểm cũng đã nỗ lực minh bạch câu chữ, đơn giản hóa điều khoản hợp đồng… để tạo dựng niềm tin đối với sản phẩm bảo hiểm cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhưng con số này chưa nhiều.
Ðể bảo hiểm có thể đến gần hơn với người dân, theo các chuyên gia, ngoài chủ động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người mua bảo hiểm, các cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính và Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần rà soát có hệ thống toàn bộ câu chữ, điều khoản có trong Bộ Hợp đồng bảo hiểm kèm theo điều khoản mẫu của công ty bảo hiểm.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, khoản 16 điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, hợp đồng bảo hiểm được xem là sự thỏa thuận giữa hai bên nhưng thực tế khách hàng rất ít cơ hội để đàm phán hoặc sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng.
Việc bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm trách nhiệm dân sự không còn nằm trong danh mục hợp đồng mẫu từ năm 2019 đã tạo ra lỗ hổng lớn khiến việc giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn.
Từ thực trạng này, ông Tú cho rằng cần có những biện pháp cấp thiết để khắc phục, trong đó đặc biệt quan trọng là đưa các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm quan trọng khác trở lại danh mục hợp đồng mẫu để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
"Một giải pháp quan trọng khác là cần phải đơn giản hóa ngôn ngữ hợp đồng. Các điều khoản cần được viết rõ ràng, dễ hiểu, giúp người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt quyền lợi và trách nhiệm của mình, tránh những nhầm lẫn và tranh chấp không đáng có", ông Tú góp ý.
Về phía khách hàng, theo luật sư Trương Anh Tú, cần tìm hiểu kỹ lưỡng khung pháp lý và nội dung giao dịch, đồng thời yêu cầu được giải thích quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm… trước khi đặt bút ký các hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Việc tham gia sâu hơn vào hợp đồng bảo hiểm nhằm gia tăng quyền lợi bảo hiểm là nhu cầu chính đáng của người mua bảo hiểm.