Chương trình Giao lưu nghệ thuật sinh viên “Bắc điệu tân thời” do nhóm sinh viên đến từ khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức vừa qua. Hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy cũng như lan tỏa tình yêu đối với các loại hình nghệ thuật diễn xướng vùng Bắc Bộ xưa như: chèo, xẩm, ca trù, quan họ, chầu văn,...
Sự kiện do nhóm sinh viên Timelink tổ chức, bắt đầu từ những hiểu biết ít ỏi về kiến thức về âm nhạc truyền thống, nhưng với mong muốn âm nhạc truyền thống đến được gần hơn với công chúng.
Nhóm bạn trẻ sinh viên bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về các loại hình âm nhạc Bắc bộ để tổ chức chương trình “Bắc điệu tân thời” vừa thu hút công chúng lại vừa mang ý nghĩa, giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Những tiết mục biểu diễn trong chương trình được Ban tổ chức lựa chọn kỹ càng và gửi đến các nhóm sinh viên, thí sinh đến từ các CLB của các trường ĐH tham gia chương trình. Các nhóm thí sinh sau đó sẽ tự biên đạo, dàn dựng tiết mục theo yêu cầu Ban tổ chức đề ra để trình diễn
Mục đích của Ban tổ chức muốn hướng đến không chỉ là gìn giữ và bảo tồn những cái cũ, mà còn khơi lên tính sáng tạo cho các bạn trẻ, mang những nét mới lạ vào tiết mục biểu diễn thông qua từng lời ca, điệu múa.
Xuất hiện với tư cách là Ban giám khảo, màn thị phạm tiết mục ca trù “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của NSƯT Lê Thị Bạch Vân đã truyền cảm hứng không chỉ cho các thí sinh biểu diễn mà còn cho cả những khán giả tham gia chương trình.
“Văn hóa truyền thống đang dần dần quay trở lại, đây là một điều rất mừng, tôi cho rằng đây là một tiền đề tốt và đáng biểu dương”, NSƯT Lê Thị Bạch Vân chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội chia sẻ.
Màn trình diễn của NSƯT Lê Thị Bạch Vân không chỉ đem lại điểm nhấn cho chương trình mà còn là cây cầu nối giữa thế hệ đi trước với lớp người trẻ đam mê, tìm tòi, mong muốn âm nhạc truyền thống ngày một tiến xa hơn và có những nét mới lạ hơn.
Thông qua sự kiện này, nhóm Timelink hy vọng các bạn trẻ sẽ có góc nhìn tích cực về những nét văn hóa đẹp của Việt Nam trong thời đại công nghệ mới. Đồng thời, đưa các loại hình diễn xướng Bắc bộ đến gần hơn với văn hóa, đời sống xã hội.