Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất với nhiều nội dung quan trọng.
Sáng 19/02/2024, thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai.
Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Để Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Một số vấn đề trong dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất rất được người dân chú ý như việc hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 33 dự thảo Nghị định.
Việc hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 108, Luật Đất đai 2024 được thực hiện theo quy định sau đây:
Đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống gồm các trường hợp sau: Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp khi thực hiện các nghị định gồm: Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993; Nghị định 85/1999/NĐ-CP; Nghị định 02/CP ngày 15/01/1994; Nghị định 163/1999/NĐ-CP; Nghị định 181/2004/NĐ-CP; khoản 1 Điều 54 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2024;
Nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 33 dự thảo Nghị định nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đó;
Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại điểm a khoản này đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;
Cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đang sử dụng đất nông nghiệp;
Nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức trong hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các nông, lâm trường quốc doanh là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp;
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống thực hiện theo quy định sau đây: Đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 dự thảo Nghị định đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 96 Luật Đất đai 2024 và điểm b khoản 2 Điều 33 dự thảo Nghị định;
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản quy định tại các điểm e, g và h khoản 1 Điều 33 dự thảo Nghị định thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất.
Việc hỗ trợ ổn định đời sống cho các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 33 dự thảo Nghị định thực hiện theo quy định sau: Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.
Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng;
Diện tích đất nông nghiệp thu hồi để tính hỗ trợ ổn định đời sống quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 dự thảo Nghị định được xác định theo từng quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, không cộng dồn diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi của các quyết định thu hồi đất trước đó.
Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 33 dự thảo Nghị định được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 33 dự thảo Nghị định bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng mà việc thu hồi đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người thu hồi đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp hỗ trợ khác theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Đất đai 2024.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối thuộc đối tượng quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 33 dự thảo Nghị định thì được hỗ trợ ổn định đời sống theo hình thức bằng tiền.
Một vấn đề nữa rất được quan tâm là suất tái định cư tối thiểu theo Điều 41 dự thảo Nghị định. Theo đó, quy định về suất tái định cư tối thiểu được đề xuất theo Điều 41 dự thảo Nghị định như sau: Suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 8 Điều 111 Luật Đất đai 2024 được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương và diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.
Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 dự thảo Nghị định và tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở nhà ở, bằng nhà ở và bằng tiền.
Khi được thông qua và ban hành, Nghị định này thay thế Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.