Tại dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất quy định 09 nhóm hành vi gây lãng phí.
Theo dự thảo, "Lãng phí" là việc quản lý, sử dụng vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc việc quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đã định hoặc tạo rào cản phát triển kinh tế, xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Đáng chú ý, tại Điều 17 dự thảo Luật mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đã đề xuất quy định 09 nhóm hành vi gây lãng phí (bổ sung thêm 04 nhóm hành vi gây lãng phí so với quy định hiện hành) để đảm bảo bao quát, có cơ chế xử lý đối với các hành vi gây lãng phí mà Luật hiện hành chưa quy định.
Cụ thể, hành vi gây lãng phí bao gồm các nhóm hành vi sau:
(1) Hành vi gây lãng phí liên quan đến xây dựng, ban hành thể chế trong các lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Luật này;
(2) Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, quản lý nợ công;
(3) Hành vi gây lãng phí trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng tài sản công, nhà ở thuộc tài sản công;
(4) Hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, năng lượng;
(5) Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước;
(6) Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
(7) Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;
(8) Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
(9) Hành vi gây lãng phí khác theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo dự thảo, hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí bao gồm các nhóm hành vi sau:
(1) Hành vi vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, gây lãng phí;
(2) Hành vi vi phạm trong ban hành các Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí;
(3) Hành vi vi phạm trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu, yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí đã ban hành;
(4) Hành vi vi phạm trong báo cáo kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí;
(5) Hành vi vi phạm trong công khai về tiết kiệm, chống lãng phí;
(6) Hành vi vi phạm trong việc lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi quyết định đối với các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;
(7) Hành vi vi phạm trong thanh tra, kiểm tra, giám sát tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
(8) Hành vi vi phạm trong xử lý khiếu nại, tố cáo, xử lý người vi phạm pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí;
(9) Hành vi vi phạm trong bảo vệ người đấu tranh chống lãng phí, người thân của người đấu tranh chống lãng phí.
Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm trên.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được qua hơn 10 năm thực hiện nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, công tác THTK, CLP trên thực tế vẫn còn điểm tồn tại, hạn chế. Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tải nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Trước đó tại Nghị quyết số 158/NQ-CP ngày 03/6/2025 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5/2025, Chính phủ đã thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đồng thời, Chính phủ đã có Tờ trình số 505/TTr-CP ngày 11/6/2025 trình UBTVQH đề nghị bổ sung vào Chương trình lập pháp nãm 2025 đối với dự án Luật TK, CLP (sửa đổi) với dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.