Vấn đề quan tâm

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bỏ đề xuất bất lợi với người lao động

Trang Nhi 23/09/2024 - 06:55

Việc loại bỏ đề xuất gây bất lợi cho người lao động thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của ban soạn thảo, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hướng đến khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động.

Qua đó, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.

bhtn-nguoi-lao-dong.jpg
Một trong những điểm của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được nhiều người quan tâm là quy định về việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Dự thảo dự kiến sẽ được xem xét và thông qua vào năm 2025 kỳ vọng giúp bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò bảo vệ người lao động cũng như thị trường lao động.

Một trong những điểm của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được nhiều người quan tâm là quy định về việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định hiện hành tại Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trên đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 111 của dự thảo quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;

- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;

- Người lao động hưởng lương hưu; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Trong đó, đề xuất người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cả doanh nghiệp, người lao động và các chuyên gia lao động.

Theo quy định này, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ đúng thời gian báo trước theo quy định. Do vậy, đề xuất trên không chỉ mâu thuẫn với tinh thần của Bộ luật Lao động mà còn hạn chế quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp thu ý kiến, ban soạn thảo đã chỉnh sửa và đưa ra Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới, loại bỏ điều khoản vô lý này.

Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận định việc loại bỏ đề xuất gây "sốc" này thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của ban soạn thảo, từ đó đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh mục tiêu của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là thị trường lao động hoạt động hiệu quả và người lao động quay lại thị trường nhanh nhất cũng như đảm bảo để gắn bó chặt chẽ với các chính sách an sinh xã hội.

Do đó, dự thảo sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp, mọi rào cản, thủ tục làm cho người lao động phải rời xa chính sách, khó khăn trong việc tiếp cận hay người lao động có thể lạm dụng chính sách thì cần phải xem xét, điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bỏ đề xuất bất lợi với người lao động