Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Chặt chẽ nhưng phải thông thoáng

Đỗ Huyền| 10/10/2014 10:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Luật này để hoàn thiện lần cuối trước khi trình Quốc hội.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, khai mạc vào ngày 20/10 tới Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được thông qua. 

Vẫn còn lắm “sạn”

Đại diện Ban Soạn thảo cho biết: Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi được xây dựng theo hướng thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và đã được lấy ý kiến từ nhiều thành phần. Đến nay, Dự thảo Luật đã cơ bản hoàn chỉnh và đã được trình thông qua Chính phủ và UBTVQH.

Dự thảo có nhiều tính ưu việt: Tiếp tục mở rộng tự do kinh doanh cho doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính; minh bạch hóa tài chính; linh hoạt trong quản trị nội bộ nhưng vẫn duy trì quyền lợi của cổ đông tối thiểu…

Mặc dù vậy, tại hội thảo vẫn còn nhiều ý kiến kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, đặt câu hỏi: Tại sao Dự thảo đã được trình thông qua Chính phủ và UBTVQH mà vẫn lắm “sạn” đến thế?

Luật sư Đức đã đề cập đến 18 vấn đề còn "sạn": Các ngành, nghề bị cấm kinh doanh; các hoạt động trước khi thành lập doanh nghiệp; thời hạn nộp báo cáo của doanh nghiệp; nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tên gọi doanh nghiệp; điều kiện doanh nghiệp giải thể…

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Chặt chẽ nhưng phải thông thoáng

Sản xuất hàng xuất khẩu ở một doanh nghiệp tư nhân

Theo luật sư Đức, các ngành, nghề bị cấm kinh doanh được quy định tại Dự thảo Luật còn mập mờ hơn cả luật hiện hành… Vì trong Dự thảo Luật không quy định lý do bị cấm kinh doanh và giao cho “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm”.

Khoản 5 Điều 11 của dự thảo Luật quy định khá “chung chung” về “Các hành vi bị cấm”. Theo đó, “Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động”. Luật sư Đức đề nghị: “Phải quy định cụ thể các ngành, nghề cấm kinh doanh trong Dự thảo Luật, vì quyền tự do kinh doanh đã được hiến định chỉ có thể bị cấm bằng luật theo tinh thần của Hiến pháp…”.

Đối với điều kiện giải thể doanh nghiệp (Điều 201), luật sư Đức cho rằng, hiện có nhiều doanh nghiệp “chết” nhưng không “chôn” được do nhiều điều kiện ràng buộc. Nếu Dự thảo Luật tiếp tục quy định "doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài”, thì doanh nghiệp khó lòng giải thể được.

Luật sư Lê Nga cho rằng, cần một chế tài đủ mạnh hơn đối với cơ quan thuế hoặc hành lang pháp lý để cơ quan đăng ký doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc đăng ký giải thể cho doanh nghiệp.

Dự thảo nên "chỉ đích danh" cơ quan thuế trong một thời hạn nào đó phải quyết toán hoặc có ý kiến về việc thông báo giải thể của doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn mà không trả lời, cơ quan đăng ký doanh nghiệp có quyền đăng ký giải thể cho doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không quyết toán hoặc không có ý kiến.

Cùng quan điểm trên đây, luật gia Vũ Xuân Tiền kiến nghị cần bổ sung khoản 4: "Kể từ ngày nhận được quyết định giải thể do doanh nghiệp gửi đến, trong thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan thuế có trách nhiệm xác định việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp; trong thời hạn 15 ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác định nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc và chốt sổ bảo hiểm cho người lao động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".

Còn một số điểm chưa rõ ràng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định, Dự thảo Luật còn một số điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, khâu hậu kiểm trong dự thảo vẫn chưa có giải pháp đáng kể; cạnh tranh chưa hoàn toàn bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; liệu chương riêng về doanh nghiệp nhà nước có bị hiểu lầm là phân biệt đối xử; vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết trong nhiều lĩnh vực…

Theo ông Tuấn, với những nội dung như Dự thảo thì nhiều ngành, lĩnh vực đặt ra điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và tạo cơ hội cho các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. “Nếu quy định như Dự thảo thì Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục bị các luật chuyên ngành “gặm nhấm” khi đưa vào áp dụng”, ông Tuấn cảnh báo.

Góp ý cho Dự thảo, luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Luật cần có quy định rõ ràng về “hậu kiểm”, tránh để biến thành “hậu buông”, gây ra những hậu quả không đáng có và là cái cớ để nhiều ý kiến muốn quay lại cơ chế “tiền kiểm” như trước khi có Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Về khoản 2 Điều 60 về “Quyết định của Hội đồng thành viên” quy định: Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp khi được ít nhất 65% (đối với vấn đề thông thường) đến 75% (đối với vấn đề quan trọng) tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Đây là quy định rất bất hợp lý, gây khó khăn, bế tắc cho nhiều doanh nghiệp.

Có cùng quan điểm, ông Đỗ Việt Dũng, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Honda Việt Nam kiến nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định về tỷ lệ số phiếu đại diện tổng số vốn góp của các thành viên để thông qua Quyết định của Hội đồng thành viên trong cả hai trường hợp và lấy ý kiến bằng văn bản là ít nhất 51%, thay vì 65% như Dự thảo. Riêng các quyết định đặc biệt quan trọng cần thông qua với 66,7% vốn điều lệ.

Hoàn thiện trước khi trình Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội: "Qua các ý kiến đóng góp thì chúng tôi thấy rằng về cơ bản, giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan chủ trì thẩm tra và các đại biểu tham dự lấy ý kiến này, đều thống nhất với nhau ở các quan điểm là chúng ta phải xây dựng hành lang pháp lý cho nó chặt chẽ nhưng đồng thời lại mở ra về cải cách thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, không những về doanh nghiệp nhà nước mà các doanh nghiệp của cả các thành phần kinh tế khác."

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Hội thảo lần này có tính tương tác rất cao, dự kiến sau 3 ngày sẽ có đại diện Ban soạn thảo giải trình các ý kiến tiếp thu hay không trên trang web của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trước khi Quốc hội biểu quyết Luật này vào cuối tháng 10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Chặt chẽ nhưng phải thông thoáng