Liên minh Châu Âu (EU) đã rất tức giận khi Mỹ tung thêm các đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Phản ứng gay gắt một cách bất thường của EU là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi dù Nga “bị đánh” nhưng thực tế EU được cho là sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tổng thống Donald Trump hôm qua 2/8 đã miễn cưỡng ký vào dự luật thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Dự luật mới sẽ áp dụng các đòn trừng phạt nhằm không chỉ vào Nga mà cả vào Iran và Triều Tiên.
Ngay sau khi thông tin về việc Mỹ ký dự luật trừng phạt Nga vừa được đưa ra từ Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã lập tức lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc rằng, Châu Âu sẽ có đòn đáp trả thích đáng và nhanh chóng chỉ trong vài ngày nếu dự luật chống Nga của Mỹ làm tổn thương đến lợi ích của các công ty Châu Âu đang làm việc và hợp tác với Nga.
Ông Juncker nhấn mạnh, lợi ích Châu Âu luôn phải được tính đến khi Mỹ muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. Ông Juncker nói thêm rằng, dự luật vừa được Tổng thống Trump ký phê chuẩn có thể sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được cho EU trong lĩnh vực an ninh năng lượng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker
Một số điều khoản của luật trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng Nga, như áp đặt những hạn chế mới đối với đầu tư của Mỹ vào các công ty Nga.
Ngoài ra, doanh nghiệp Mỹ không được phép tham gia vào các dự án thăm dò năng lượng nếu công ty Nga nắm ít nhất 33% cổ phần dự án. Lệnh trừng phạt còn nhằm vào các công ty nước ngoài bị cáo buộc đầu tư hoặc giúp đỡ Nga thăm dò năng lượng.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng có quyền áp đặt trừng phạt lên những công ty giúp Mosocw phát triển đường ống dẫn năng lượng, như đường ống trong dự án Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga đến Đức. Dự án này có sự tham gia của một số công ty châu Âu nên có thể hiểu được phản ứng trên của EU.
Ông Juncker tuyên bố, chính sách "nước Mỹ trên hết" không thể đồng nghĩa lợi ích của châu Âu bị coi nhẹ. Trong khi đó, Đức cho rằng Mỹ đang sử dụng các biện pháp trừng phạt để làm bình phong cho những lợi ích khí đốt của mình.
Nỗi lo dễ hiểu của EU là lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể khiến khối này thêm thiệt hại theo sau những biện pháp trừng phạt Nga năm 2014 vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Khi đó, biện pháp trừng phạt các công ty năng lượng Nga của EU không áp dụng cho lĩnh vực khí đốt bởi sự phụ thuộc của nhiều nước thành viên vào nguồn cung của Moscow. Theo một số ước tính, những biện pháp trừng phạt này đã khiến EU tổn thất đến 100 tỉ euro.
Tuy nhiên, vị quan chức cấp cao hàng đầu EU cũng bày tỏ sự hài lòng khi luật trừng phạt vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành có nội dung cam kết rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ được áp dụng sau khi những đồng minh của Washington được tham vấn.
Nhưng ông Juncker cũng cảnh báo, không chỉ phản đối trên lời nói, giới chức EU đã chuẩn bị sẵn kịch bản để có thể đáp trả Mỹ. EU đã đặt lên bàn những sự lựa chọn khác nhau, bao gồm việc dùng đến “Đạo luật Ngăn chặn” (Blocking Statute) - một quy định của EU trong đó giới hạn việc thực thi các luật đặc quyền của Mỹ ở Châu Âu. Một số biện pháp trả đũa theo quy định của WTO cũng đang được xem xét.