Để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công
Tại cuộc họp báo chuyên đề diễn ra chiều 25/5 về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính cho biết mục tiêu quản lý tài sản công thể hiện trong dự thảo Luật nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; Khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công hợp lý, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; Từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Họp báo chuyên đề "Những điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công". Ảnh: Mof
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết để nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này quy định nội dung cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ; cấm cơ quan quản lý cấp trên giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới không phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Về xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì trước hết phải bồi hoàn đầy đủ cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
4 hình thức giám sát của cộng đồng đối với tài sản công
Dự thảo Luật quy định nội dung công khai, nguyên tắc công khai và hình thức công khai đối với tài sản công. Để bảo đảm quy định về công khai đi vào thực chất, ngoài chức năng kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức, ban thanh tra nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, tập trung vào các nội dung: văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.
Việc giám sát của cộng đồng được thực hiện theo 04 hình thức: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết tình hình thiên tai ngày càng gia tăng đã có ảnh hưởng tới công tác quản lý, sử dụng tài sản công và đòi hỏi phải có các giải pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai và các nguyên nhân bất khả kháng khác gây ra đối với tài sản công.
Do đó, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định nguyên tắc những tài sản công có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, địch họa và nguyên nhân bất khả kháng khác phải được quản lý rủi ro về tài chính thông qua công cụ bảo hiểm hoặc các công cụ khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ sẽ quy định các công cụ quản lý rủi ro tài chính với tài sản công phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.