Bộ GTVT đang soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, trong đó tốc độ xe cơ giới chạy trong và ngoài đô thị dự kiến sẽ được nâng lên 60km/h.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến người dân và các đơn vị liên quan về dự thảo Thông tư Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thay thế Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009, của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Theo dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, tốc độ phương tiện sẽ được căn cứ theo hiện trạng đường và loại phương tiện. Cụ thể, tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị sẽ là 60 km/h đối với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe trở lên; 50 km/h đối với đường không có dải phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới.
Hiện nay các phương tiện đang được chạy với vận tốc là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện
Quy định này cao hơn quy định hiện hành là 10km/h (hiện nay các phương tiện đang được chạy với vận tốc là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện).
Tương tự, khi đi ngoài đô thị, ôtô đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ôtô tải đến 3,5 tấn có thể được chạy với tốc độ tối đa lần lượt là 90 km/h và 80 km/h.
Ôtô trên 30 chỗ ngồi, ôtô trên 3,5 tấn có thể được chạy tối đa 80 km/h và 70 km/h; các loại xe buýt, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, xe chuyên dùng, môtô sẽ được chạy tối đa là 70 km/h và 60 km/h. Còn ôtô kéo rơ moóc, kéo xe khác, xe gắn máy sẽ có tốc độ tối đa là 60 km/h và 50 km/h.
Dự thảo thông tư cũng quy định, trên cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ nhưng không vượt quá tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h.
Riêng ôtô trên 30 chỗ ngồi, xe buýt, xe tải có trọng tải trên 3,5 tấn, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc, xe chuyên dùng, xe kéo rơ moóc, ôtô kéo xe khác không được phép chạy quá 100 km/h kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 100 km/h.
Bộ Giao thông vận tải quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao cắt đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường mà mặt đường không êm thuận; Qua cầu, cống hẹp; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc.
Theo Tổng cục Đường bộ, kể từ khi Thông tư 13 có hiệu lực thi hành (1/9/2009), các quy định trong thông tư đã có tác động đến việc điều khiển xe trên đường, theo đó, quy định rõ ràng tốc độ các phương tiện tham gia giao thông và khoảng cách cần thiết giữa các xe để đảm bảo an toàn trên các tuyến đường.
Ô tô, xe máy sắp được chạy với vận tốc tối đa 60km/h trong các khu dân cư, đô thị
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, do sự phát triển của thực tiễn khách quan về cơ sở hạ tầng, về phương tiện và kèm theo đó, phát sinh bất cập do các vấn đề còn chưa được đề cập tới trong thông tư, chẳng hạn: chưa quy định cụ thể tốc độ cho từng loại đường đặc biệt là đường cao tốc, chưa hướng dẫn cách thức xác định giá trị tốc độ khai thác hạn chế.
Hơn nữa trong quá trình thực thi, vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh của các địa phương, chủ phương tiện, của Hiệp hội vận tải đường bộ và đặc biệt của các lái xe đường dài... về những bất hợp lý trong quy định tốc độ xe cơ giới và kiến nghị tiếp tục điều chỉnh.
Hiện nay việc chia thành hai nhóm tốc độ 40 km/h và 50 km/h trên những đoạn đường trong khu vực đông dân cư, dẫn đến tình trạng vượt xe trong điều kiện đường sá đông đúc tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông, kìm hãm năng lực thông hành chung... vậy nên việc sửa đổi soạn thảo thông tư của Bộ GTVT là rất cần thiết.