Văn hóa - Du lịch

Du khách nườm nượp kéo về Hà Giang, Cao Bằng du xuân

Nguyễn Liên 15/02/2024 - 22:00

Sau Tết cổ truyền, lượng khách du lịch nườm nượp kéo về thăm quan, trải nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, tỉnh Hà Giang, Cao Bằng được nhiều du khách trong và quốc tế đánh giá có cảnh quan, ẩm thực và không gian văn hoá độc đáo.

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (VHTTDL) tỉnh Hà Giang ngày 13/2, dịp nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn đạt 141.200 lượt người, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 350 tỉ đồng.

Để chuẩn bị cho lượng khách du lịch gia tăng trong dịp nghỉ Tết, ngành VHTTDL tỉnh Hà Giang có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố chuẩn bị tốt các hoạt động tham quan, trải nghiệm cho khách du lịch; tuyên truyền vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch mở cửa phục vụ khách trong dịp tết Nguyên đán, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định về niêm yết giá, không để xảy ra tình trạng tùy tiện tăng giá, ép khách.

Trong dịp tết Nguyên đán, toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, điểm mua sắm, trạm dừng chân mở cửa phục vụ khách du lịch xuyên Tết.

cly-3-.jpg
Du khách kéo về Hà Giang thăm quan trải nghiệm.
cly-4-.jpg
Rất đông du khách kéo về Hà Giang khiến nhiều địa điểm thăm quan tắc nghẽn.
cly-2-(1).jpg
Mặc dù gặp khó khăn vì lượng khách du lịch đổ về khá đông, nhưng du khách trải nghiệm văn hóa tại Hà Giang vẫn tỏ ra thích thú.

Năm 2023, khép lại với thành tựu ấn tượng của du lịch Hà Giang, đặc biệt là giải thưởng "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023" được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) trao tặng vào tháng 9 vừa qua. Đây là hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của WTA với các tiêu chí như cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa, giá trị di sản, điểm đến an toàn, hình ảnh con người văn minh, thân thiện...

Việc được nhận giải thưởng "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" vốn được mệnh danh như “Oscar của ngành du lịch thế giới” đã cho thấy những tiềm năng, thế mạnh và sự nỗ lực không ngừng làm mới của du lịch Hà Giang.

Trên thực tế, Hà Giang vẫn được biết đến là một trong những tỉnh miền núi biên giới nghèo nhất cả nước với 19 dân tộc sinh sống. Địa hình hiểm trở, độ chia cắt mạnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đời sống của người dân vẫn ở mức thấp, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên 4 huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn) vẫn được biết đến là khu vực thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt gần như quanh năm của Hà Giang.

Khó khăn cũng chính là lợi thế, tạo hoá đã ban cho mảnh đất Hà Giang sự kỳ vĩ của thiên nhiên mà rất ít nơi trên thế giới có được, đặc biệt là Cao nguyên đá Đồng Văn với lần 3 lần liên tiếp giữ danh hiệu mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Du khách trong và ngoài nước tìm đến Hà Giang ngày một nhiều cũng bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên và đa dạng, phong phú của văn hóa các dân tộc bản địa.

Vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, tỉnh Cao Bằng đón trên 48.200 lượt khách (tăng 37,7% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế ước đạt 1.000 lượt. Theo Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng, từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, Ban Quản lý các Di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng ước đón trên 12.000 lượt khách; Khu du lịch thác Bản Giốc đón trên 16.000 lượt khách, công suất buồng phòng lưu trú đạt hơn 57%.

cb-1.jpg
Cao Bằng thu hút du khách trong và ngoài nước về thăm quan, trải nghiệm, du xuân.

Trong đêm giao thừa Tết Giáp Thìn, Sở VHTTDL phối hợp UBND thành phố Cao Bằng lần đầu tiên tổ chức Chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật với chủ đề “Cao Bằng - Hội tụ sắc xuân” (Countdown Cao Bằng 2024) kết hợp bắn pháo hoa tại khu vực trung tâm thành phố Cao Bằng.

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng tiếp tục củng cố, hoàn thiện và liên kết phát triển các tuyến du lịch gồm nhóm liên kết 8 tỉnh Đông Bắc - Thành phố Hồ Chí Minh và Nhóm liên kết 6 tỉnh Đông Bắc với mục tiêu đón ít nhất 2,2 triệu lượt du khách.

Với hơn 1,9 triệu lượt du khách trong năm vừa qua, du lịch Cao Bằng đạt doanh thu trên 1.300 tỷ đồng (tăng 72% về lượng khách và tăng 114,5% về doanh thu so với năm 2022). Những con số này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Cao Bằng sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mặt khác, năm 2023 cũng là năm có nhiều hoạt động, sự kiện mang tính đột phá cho du lịch địa phương như hoàn thiện 4 tuyến du lịch trải nghiệm Công viên địa chất non nước Cao Bằng, vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)...

cly-7-.jpg
Du khách trải nhiệm nhiều đặc sản bản địa tại Bảo Lạc

Thực tế, Cao Bằng và Hà Giang có nhiều thắng cảnh đẹp, hùng vĩ, văn hóa độc đáo giàu bản sắc. Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng sẽ mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc. Đây là điểm kết nối hấp dẫn, góp phần thúc đẩy du lịch Cao Bằng phát triển.

Đồng bào các dân tộc: Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Tày, Nùng quần cư sinh sống lâu đời hình thành nên văn hóa bản địa cổ đặc sắc. Tại các xóm, bản trên núi cao, đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn sống trong không gian kiến trúc nhà sàn, nhà đất, mặc trang phục dân tộc, văn hóa ẩm thực đặc sắc… tạo sức hấp dẫn riêng…

Với những lợi thế trên, vừa qua, Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng phối hợp với Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam tiến hành khảo sát di sản địa chất, văn hóa bản địa hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm với 2 tuyến, chọn điểm di sản, nơi dừng chân, đối tác.

Trong đó, tuyến thứ nhất từ huyện Mèo Vạc (Hà Giang) sang huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc - Nguyên Bình - thành phố Cao Bằng; tuyến thứ hai từ huyện Mèo Vạc (Hà Giang) sang huyện Bảo Lâm - Bảo Lạc - Thông Nông (Hà Quảng) - thành phố Cao Bằng.

Qua khảo sát, huyện Bảo Lâm có nhiều điểm dừng chân trải nghiệm hấp dẫn, đặc sắc: ngắm cảnh đẹp trên đồi cỏ Phiêng Mường (Quảng Lâm); thăm bản Cà Đổng (Đức Hạnh) trên núi cao, ngắm thiếu nữ dân tộc Lô Lô mặc trang phục rực rỡ; hòa mình với rừng xanh cây hồi và xem bà con dân tộc Dao bản Phiêng Pẻn (Lý Bôn) trưng cất tinh dầu hồi tỏa hương thơm khắp núi rừng, tham gia Lễ hội chọi bò, Lễ hội dân tộc Mông vào mùa xuân với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc...

Thị trấn Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc) có nhiều điểm di sản tiềm năng, di tích lịch sử như: đền Quan Thánh Đế, dinh thự họ Nông cùng nhiều trải nghiệm hấp dẫn tại Lễ hội Lồng Tồng (mùng 9 tháng Giêng âm lịch), chợ tình Phong Lưu (ngày 15/8 âm lịch), chợ đêm thị trấn Bảo Lạc (tối thứ Bảy hằng tuần), ngắm cảnh sông Gâm, thưởng thức ẩm thực hấp dẫn từ các món cá sông Gâm, thịt lợn đen ủ bột ngô (thịt chua), thịt bò, trâu, lạp sườn hun khói, bánh chưng đen, rượu ngô men lá, mận máu, lê vàng, xôi nếp Hương Xuân Trường…

Trong thời gian tới, hai tỉnh Cao Bằng, Hà Giang sẽ thúc đẩy phát triển liên kết sản phẩm du lịch giữa hai tỉnh để quảng bá những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản và cải thiện sinh kế cho người dân hai tỉnh, thông qua việc triển khai tuyến thứ 5 Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để thực hiện thỏa thuận kết nghĩa, hợp tác giữa Ban Quản lý Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng về việc phát huy giá trị mô hình Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du khách nườm nượp kéo về Hà Giang, Cao Bằng du xuân