Nhiều du học sinh về nước tránh dịch covid-19 có mong muốn được nhập học vào một số trường ĐH ở Việt Nam tuy nhiên, nhiều du học sinh, phụ huynh đặt câu hỏi liệu du học tự túc, nay về nước có được vào học tiếp ở trường trước đây đã "trượt" không?
Trước vấn đề trên, tại buổi Tọa đàm về chủ đề: “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”, do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: Trong Công văn hướng dẫn, chúng tôi quy định rất rõ khi tiếp nhận lưu học sinh, tiếp nhận sinh viên quốc tế vào học chương trình, bất kỳ chương trình nào, thì điều kiện, yêu cầu đầu vào của sinh viên không được thấp hơn, phải bằng hoặc cao hơn so với điều kiện tuyển sinh tương ứng của chương trình đó.
Bà Thủy cũng nói thêm, ngoài ra, nếu sinh viên không đáp ứng được yêu cầu đầu vào của chương trình đó, tôi nghĩ nên khuyên sinh viên tìm chương trình phù hợp với năng lực và điều kiện nhập học của mình. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường trước ngày 30 hằng tháng báo cáo về Vụ Giáo dục đại học tình hình tuyển sinh theo các quy định hiện hành.
Còn theo đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Sinh viên thi vào một trường nhưng không đạt yêu cầu đầu vào, sau đó gia đình cho em chuyển sang nước ngoài, em tiếp tục học tập, trau dồi và thi các chứng chỉ như SAT… Nếu vào được một trường đại học tốt và tiếp tục học tập 2-3 năm, với điều kiện bảng thành tích học tập của em tương đối tốt, trường ranking cao, khi muốn quay trở lại trường mình đã thi trượt tại Việt Nam trước đó, thì các trường có cơ sở để xem xét. Bởi năng lực học tập của các em được cải thiện thông qua bảng thành tích học tập tại trường sở tại (chỉ trong trường hợp này). Còn lại theo tinh thần chung, các em có nhiều lựa chọn khác ngoài trường các em đã trượt.
Ảnh minh họa.
PGS.TS Vũ Thị Hiền – đại diện trường ĐH Ngoại Thương cho hay: Tôi nghĩ các bạn nên mở cho mình nhiều cơ hội nếu như đã lựa chọn con đường du học tự túc. Sau đó vẫn yêu thích con đường mà mình lựa chọn ngay từ ban đầu thì các bạn vẫn có thể thực hiện được mơ ước này.
Đối với chương trình liên kết đào tạo, tôi nghĩ sẽ không có gì khó khăn. Nhưng đối với các chương trình chính quy, chúng ta có thể thực hiện theo hình thức chuyển tiếp ngược. Trước đây chúng ta thấy rằng du học sinh Việt Nam học một vài năm tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp học tại nước ngoài. Việc dừng quá trình học tại trong nước và mơ ước một bằng đại học nước ngoài hơn là bằng đại học trong nước là một nỗi lo mà Đại học Ngoại thương phải đối diện rất nhiều năm, mặc dù thương hiệu của trường rất mạnh, nhưng tinh thần chuộng ngoại vẫn rất cao. Các bạn sang học tại nước ngoài thực ra ranking tại quốc gia đó không cao, nhưng khi các bạn có điều kiện đi học ở nước ngoài là bỏ luôn 2-3 năm học trong nước. Tuy nhiên quá trình chuyển tiếp ngược cũng có cái hay cho các trường đại học trong nước.
“Hãy nhìn nhận lại độ hấp dẫn của các trường đại học trong nước trong giai đoạn này”, bà Hiền nhấn mạnh.
Trước đó, Ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch covid-19. Bộ GD-ĐT đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế.
Bao gồm, xem xét, tiếp nhận các du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Quá trình này cần phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.
Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.
Đồng thời, tiến hành rà soát, mở rộng các đối tác để phát triển các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các hình thức hợp tác giáo dục khác.