Dự báo sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 8,8-9%

Trang Nhi| 10/09/2022 08:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sản xuất công nghiệp đang là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế 8 tháng năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực kỳ vọng ngành này sẽ bứt phá những tháng cuối năm.

Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6%, tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

san-xuat-cong-nghiep-2.png
Ảnh minh họa.

Từ đó, Bộ Công Thương đưa ra dự báo tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả năm 2022 đạt được chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 8,8-9%. Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Với dự báo trên của Bộ Công Thương, theo đó, sản xuất những tháng tiếp theo sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Cụ thể, khả năng về thị trường tiêu thụ năm 2022 nhóm hàng công nghiệp chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy như ngành ô tô, dự kiến sản lượng sản xuất ô tô năm 2022 đạt khoảng 330 nghìn chiếc, tăng 12% so với năm 2021. Hay như ngành điện tử, dự kiến cả năm 2022, sản lượng ti vi đạt 13.510 nghìn chiếc, tăng 21% so với năm 2021.

Đối với ngành da giầy, dự báo sản lượng sản xuất dự kiến cả năm 2022 khoảng 329 triệu đôi, tăng khoảng 4% so với năm 2021.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện cho các đơn vị thuộc Bộ. Cụ thể, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.

Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Bộ cũng triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo các định hướng ưu tiên đã được xác lập: Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, thép, thiết bị điện...; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử... công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông lâm, thủy sản; công nghiệp khai khoảng theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 8,8-9%