Triển vọng sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ bị tác động bởi lo ngại suy thoái kinh tế thế giới cũng như nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sụt giảm...
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá trong tháng 9 tới đây, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ do nền so cùng kỳ năm 2021 ở mức thấp.
Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này có thể sẽ chững lại trong quý cuối cùng của năm do lạm phát thế giới vẫn đang tăng cao, làm tăng lo ngại suy thoái kinh tế cũng như ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tăng 2,92% so với tháng 7 và 15,57% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số này ghi nhận mức tăng 9,44% so với cùng kỳ.
Tương tự, sản xuất trong hầu hết các ngành công nghiệp đều tăng trưởng tích cực. Động lực chính của sản xuất công nghiệp là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo cũng ghi nhận mức tăng 10,39% từ đầu năm đến nay. Sản xuất trang phục tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, 22,45%.
Tăng trưởng theo tháng của một số ngành sản xuất có phần chậm lại so với tháng 7 như sản xuất kim loại, xe có động cơ và sản xuất trang phục.
Đáng chú ý, sản xuất kim loại so với cùng kỳ ghi nhận mức âm trong tháng thứ 2 liên tiếp. Giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất kim loại vẫn đang có diễn biến tăng cao là một trong những yếu tố có tác động tiêu cực đối với sản xuất mặt hàng này.
Thêm vào đó, nhu cầu chậm lại do tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu sắt thép lớn của Việt Nam là Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian vừa qua cũng đã có ảnh hướng tới sản xuất kim loại.