Nhiều hộ dân tại đường Giảng Võ, Cát Linh đã đồng loạt gửi đơn đến cơ quan chức năng vì cho rằng công tác quy hoạch đã không được coi trọng khi đầu tư xây dựng nhà ga công trình “Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông”, đoạn qua quận Đống Đa, Hà Nội.
Nhiều ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bất bình về việc thi công tắc trách khi xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Sự cố sập đà giáo khi đổ bê tông xà mũ của mũ trụ H7, nhà ga bến xe Hà Đông, sau tai nạn chết người trước đó của dự án này khiến nhiều người nghi ngại về tính an toàn trong quá trình thi công cũng như khi dự án đi vào vận hành.
Ở quận Đống Đa, nhiều người dân ở mặt đường phố Giảng Võ, Cát Linh lại đứng ngồi không yên vì chuyện khác, chuyện bị giải phóng mặt bằng làm nhà ga Cát Linh (thuộc dự án xây dựng tuyến Cát Linh - Hà Đông). Điều đáng nói, việc giải tỏa, đền bù ở đây cho thấy việc quy hoạch nhà ga này thiếu tầm nhìn chiến lược, khiến Nhà nước cùng nhiều hộ gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng. Nếu như, công tác quy hoạch tốt hơn thì đã không xảy ra những trường hợp dở khóc, dở cười dưới đây.
Năm 2009, gia đình bà Nguyễn Thị Bình lấy số tiền tích cóp cả đời cộng với tiền vay của Ngân hàng Quân đội MB mua ngôi nhà có diện tích 43m2, tại số 91+93 Giảng Võ với số tiền là 13,3 tỷ đồng. Sau khi mua được ngôi nhà đó, gia đình bà lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà kiên cố, hiện đại. Ngày 2/12/2009, sau khi được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng, gia đình bà đã tiến hành xây dựng, tháng 3/2011, ngôi nhà 7 tầng đã hoàn công. Ngày vui chẳng tày gang, cuối năm 2013, gia đình bà được thông báo nằm trong dự án nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Điều đáng nói, việc thu hồi đất gia đình nhà bà Bình mới phát sinh trong hơn 1 năm nay và số tiền bồi thường ngôi nhà 7 tầng nằm trên con đường thuộc loại đắt nhất quận Đống Đa cũng chỉ có gần 5 tỷ đồng.
Các ngôi nhà nằm trong dự án đã bị quây tôn mặc dù chưa đồng ý phương án bồi thường
Bà Bình cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ trước năm 2005, lần bổ sung sau đều không ảnh hưởng. Vậy mà chỉ vì một phút “ngẫu hứng” của chủ đầu tư, chúng tôi đã mất nhà. Riêng tiền mua đất của gia đình đã hơn 13 tỷ đồng chưa kể tiền xây ngôi nhà 7 tầng nhưng đến nay chỉ được đền bù có 4,9 tỷ đồng (phê duyệt ban đầu có 3,1 tỷ đồng). “Dự án ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông bổ sung lần 3 đã đẩy cuộc sống của gia đình tôi tới bước đường cùng, tới bờ vực vỡ nợ do áp lực trả nợ ngân hàng cũng như phải bồi thường hợp đồng cho thuê nhà”, bà Bình ngao ngán nói.
Nằm trong hoàn cảnh tương tự là trường hợp của gia đình bà Mai Thị Thu Hiền, ngôi nhà 6 tầng của gia đình bà mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép ngày 10/11/2010. Sau khi xây dựng xong, đại gia đình hân hoan về nhà mới được vài tháng đã được thông báo vướng quy hoạch nhà ga mở rộng. Phần diện tích bị thu hồi của gia đình có 8,3m2 nhưng vẫn phải phá hủy cả ngôi nhà kiên cố vì sau khi phá dỡ cầu thang máy và thang bộ, kết cấu của ngôi nhà không đảm bảo an toàn cho những người sinh sống và các hộ lân cận, nhưng cũng chỉ được đền bù có hơn 1 tỷ đồng. Với số tiền này, không thể đảm bảo làm lại ngôi nhà như cũ, tuy nhiên, UBND quận Đống Đa đã “phớt lờ” khiếu nại của gia đình, bà Hiền khẳng định.
Gia đình ông Trần Quỳnh Long, bị thu hồi 41,8 m2 tại số 87+89 Giảng Võ để thực hiện dự án này và mặc dù là nhà mặt tiền cộng với 5 tầng lầu bê tông cốt thép như vậy, nhưng tiền đền bù cũng chỉ được 3,5 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhiều tài sản cả đời chắt chiu của các hộ nêu trên, gia đình đã cầm cố ngân hàng để đảm bảo cho các nghĩa vụ tài chính khi làm nhà như hộ ông Long thì “cắm” tại Seabank, còn hộ bà Bình không còn khả năng trả nợ 4 tỷ đồng cho ngân hàng (vì hàng tháng đã mất tiền cho thuê nhà là 48 triệu đồng). Trớ trêu hơn, gia đình bà Chu Thị Loan (số 19, ngõ 49 phố Cát Linh) bị thu hồi hai lần để thực hiện dự án xây dựng cống thoát nước Cát Linh - La Thành và dự án đường sắt trên cao nên đã bị thu hồi hoàn toàn ngôi nhà 4 tầng với 47m2 đất nhưng chỉ được bố trí một căn hộ tái định cư rất nhỏ và không có cửa sổ...
Trao đổi với PV, ông Trần Quỳnh Long cho rằng, ông nhất trí với chủ trương của Đảng và Nhà nước khi triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án khi đi vào hoạt động sẽ làm cho Thủ đô khang trang hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế thì đơn giá đền bù về giá đất, giá xây dựng mà UBND quận Đống Đa đưa ra là không hợp lý, chỉ bằng 1/3 giá thị trường cùng thời điểm.
Chúng tôi đã liên hệ với cơ quan chức năng để tìm hiểu việc phối hợp giữa cơ quan chức năng về quy hoạch và cấp phép xây dựng cũng như đơn giá bồi thường nhưng chưa được hồi âm.