Vụ việc triển khai dự án chặn lối xuống biển ở Phú Quốc xảy ra đã bị nhiều người dân địa phương và doanh nghiệp phản ứng, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) đã có những chỉ đạo, tuy nhiên đến nay vẫn còn khiếu nại phức tạp.
Một năm trước, gần 30 người dân xã Cửa Dương trong nhiều ngày đã kéo về ấp Ông Lang căng băng rôn phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chắn đường xuống biển gây sự chú ý của dư luận.
Phản ánh với báo chí, ông Trương Văn Buôi, một thương binh và nguyên là Trưởng ấp Ông Lang cho biết, vị trí mà Sài Gòn Sovico Phú Quốc (doanh nghiệp có dự án này) lập hàng rào và treo bảng "không phận sự cấm vào" là đường huyết mạch đi xuống biển Cửa Dương và đi qua Cửa Cạn của người dân trong vùng này. Theo ông Buôi, từng làm trưởng ấp nên ông rất rõ con đường xuống biển này hình thành qua hai cuộc kháng chiến…
Ông Buôi cho biết, nhiều hộ dân ở đây chưa được bồi thường bởi dự án mà Sài Gòn Sovico Phú Quốc là chủ đầu tư, việc đền bù đất chưa xong mà rào đường là không thể chấp nhận. Ông Phạm Văn Tuyến và bà Trịnh Thị Điền, ngụ khu phố 10, thị trấn Dương Đông cũng cho biết họ có đất rộng 0,9-1,4 ha ở khu vực doanh nghiệp lập dự án nhưng chưa được bồi thường. Theo ông Tuyến, ngoài gia đình ông, còn có hơn 10 hộ cầm sổ đỏ nhưng đến nay chưa được bồi thường.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp khác cũng lên tiếng vì cho rằng đơn vị mình bị thiệt hại do bị rào đường xuống biển. Ông Nguyễn Minh Biên, quản lý nhà hàng Ông Lang Village phản ánh, doanh nghiệp lập dự án sân golf và khu sinh thái đã làm hàng rào chắn lối vào nhà hàng ông đang làm việc. Theo ông Biên, do cổng chính vào nơi kinh doanh bị rào chắn bởi một container nên ông phải mở đường phụ để vào. Còn ông Phạm Văn Mận, nguyên Phó Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc thì khẳng định trước báo chí rằng Sovico Phú Quốc đã sai khi làm hàng rào chặn con đường huyết mạch của người dân quê ông xuống biển mỗi ngày.
Con đường xuống biển Cửa Dương bị phá
Được biết, dự án này được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 vào năm 2006, đến năm 2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, quy mô 205 ha.
Trước tình trạng nhà đầu tư rào đường xuống biển, UBND huyện Phú Quốc đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không được làm như vậy, vì bãi tắm là bãi công cộng, không thể ngăn dân xuống biển được. Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn cho rằng làm dự án thì làm nhưng phải chừa đường cho dân xuống biển. Ông Toàn yêu cầu nhà đầu tư bố trí vốn để thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Đặc biệt là Sovico phải giữ nguyên tuyến đường xuống biển, không rào chắn để người dân và du khách đi lại, tham quan, tắm biển. Đối với các hộ chưa bàn giao đất thì chủ đầu tư không được tác động đến. Còn ông Phan Bá Bắc, Đội trưởng Đội trật tự đô thị Phú Quốc thì cho hay, ông đồng ý việc rào ranh giới, nhưng khi chưa thực hiện dự án thì không thể rào đường xuống biển được. Khi nào thực hiện xong thì có thể rào phần diện tích dự án để bảo vệ nhưng cũng phải chừa đường cho dân xuống biển.
Tuy nhiên theo phản ánh, khi chưa giải quyết ổn thỏa những tồn tại thì chủ dự án vẫn tiếp tục triển khai. Mới đây, ngày 25/5/2019, Công ty TNHH Đồi Lang tiếp tục có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí. Đơn nêu vụ việc Giám đốc dự án Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc của Sài Gòn Sovico Phú Quốc chỉ đạo xây dựng tường rào không cho người dân xuống biển và phá đường đi công cộng gây thiệt hại lớn cho công ty của ông.
Công ty TNHH Đồi Lang khẳng định đây là việc làm trái pháp luật của Sài Gòn Sovico Phú Quốc, dù đã bị dư luận phản ánh nhưng không sửa sai và hiện bức tường ngăn cản đường đi công cộng vẫn còn. Công ty đề nghị cơ quan chức năng buộc Sài Gòn Sovico Phú Quốc phá bỏ bức tường và làm lại con đường công cộng ban đầu cho người dân và doanh nghiệp sử dụng.
Thiết nghĩ, lợi ích của nhà đầu tư là quan trọng nhưng cũng cần phải tôn trọng và bảo đảm quyền lợi chung cho người dân sở tại, các doanh nghiệp khác và cộng đồng.