Đột quỵ khi ngủ: Cái chết bất ngờ mà không ai biết

Lê Tuấn| 30/12/2020 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chưa nguôi ngoai trước sự ra đi của danh hài Chí tài, làng giải trí Việt tiếp tục bàng hoàng khi đón nhận thông tin ca sĩ Vân Quang Long qua đời ở Mỹ. Nguyên do được xác định là đột quỵ khi ngủ. Vậy đột quỵ khi ngủ nguy hiểm như thế nào?

"Ảnh bị đột quỵ trong lúc ngủ, trước đó ảnh cũng đi ăn uống với gia đình rồi về tắm rửa. Tắm rồi xong ngủ, không biết do thời tiết bên đó hay sức khỏe Long yếu nên đi luôn", ca sĩ Quách Tuấn Du khóc nức nở chia sẻ qua livestream.

Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bị tổn thương do không được cung cấp máu kịp thời. Tình trạng này xảy ra do mạch máu não đột ngột bị tắc hoặc vỡ, khiến các tế bào não dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát các chức năng cơ thể.

Không ai có thể phủ nhận được sự nguy hiểm của bệnh lý đột quỵ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Trong trường hợp những người bị đột quỵ khi ngủ, khả năng được phát hiện để cấp cứu sẽ thấp hơn so với ban ngày. Nhiều người bị đột quỵ giữa đêm nhưng người bên cạnh không hay biết, từ đó nguy cơ tử vong và hậu quả sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Trên thế giới và Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều trường hợp đột quỵ trong lúc ngủ. Dưới đây là những nguyên do chính được các bác sĩ khuyến cáo có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ khi ngủ:

1. Sử dụng rượu bia trước khi ngủ

Lạm dụng rượu bia nhiều không chỉ khiến men gan tăng mà còn làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh cao huyết áp, mạch máu dễ bị tổn thương hơn, đẩy nhanh tình trạng xơ vữa động mạch dẫn và có thể dẫn đến đột quỵ trong lúc ngủ.

Việc uống rượu bia trước khi ngủ rất nguy hiểm, vì huyết áp tăng đột ngột, sau đó dễ khiến tình trạng đột quỵ khi ngủ xảy ra.

2. Thường xuyên ăn đêm

Vì nhiều lý do mà nhiều người có thói quen ăn khuya. Vì thói quen không tốt này sẽ làm nồng độ lipid máu tăng vượt tiêu chuẩn, từ việc dung nạp quá nhiều những thực phẩm không tốt cho sức khỏe như: mì tôn, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, nước uống có ga,... đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạnh, làm tắc mạch máu não, dẫn đến đột quỵ.

3. Sử dụng thiết bị điện tử quá mức trước khi ngủ

Các thiết bị điện tử tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu não, nhưng lại ảnh hưởng gián tiếp bằng cách gây khó ngủ, thiếu ngủ. Kéo theo đó là khả năng làm việc ngày hôm sau suy giảm. Không chỉ vậy, việc thức khuya, mất ngủ còn kích thích các hormone tuyến thượng thận, ảnh hưởng tới các mạch máu, gây tăng huyết áp - 1 trong những nguyên nhân điển hình gây ra đột quỵ.

4. Đột ngột thay đổi tâm trạng bất thường

Tâm trạng không ổn định, phấn khích, thất thường trước khi ngủ cũng là một tác nhân khiến tình trạng mất ngủ xảy ra, khiến cơ thể tiết ra nhiều hormone adrenaline làm huyết áp tăng, từ đó có thể dẫn đến đột quỵ trong khi ngủ.

5. Tắm đêm trước khi ngủ

Tắm đêm làm thay đổi nhiệt độ và trạng thái của cơ thể một cách nhanh chóng, khiến các mạch máu co lại, ảnh hưởng đến việc lưu thông máu lên não, có thể dẫn đến các bệnh về phổi, tai biến thậm chí là đột quỵ.

dot-quy-khi-ngu.jpg
Đột quỵ khi ngủ rất nguy hiểm vì thường không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Đột quỵ khi ngủ rất nguy hiểm vì thường không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Vì vậy, nếu phát hiện bản thân hoặc người bên cạnh có những dấu hiệu bất thường, chúng ta nên lập tức đưa người bệnh tới các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ứng phó khi bệnh đã xảy ra.

Về căn bản, điều quan trọng nhất trong điều trị đột quỵ là các yếu tố phòng ngừa. Mọi người đều nên phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ từ sớm sẽ giúp bạn hạn chế được những hậu quả đáng tiếc:

- Tắt điện thoại, máy tính, thay vào đó là đọc báo, đọc sách trước khi ngủ.

- Hạn chế rượu bia buổi tối, không ăn đêm (nhất là mì gói, đồ ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nước uống có ga...)

- Giữ cho tinh thần ổn định. Có thể ngồi thiền trước khi ngủ để giúp tâm trạng thư thái hơn.

- Ban ngày, bạn nên thường xuyên luyện tập, vận động để nâng cao sức khỏe thể trạng.

- Trong chế độ ăn hàng ngày, chú ý ăn đúng giờ, đúng bữa, đủ chất để không đói vào ban đêm. Nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, hạn chế các món chiên rán, đồ ăn mặn.

- Những người mắc các bệnh nền về tim và mạch máu như: rối loạn đông máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rung nhĩ,... thì cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột quỵ khi ngủ: Cái chết bất ngờ mà không ai biết