Đột quỵ: Bệnh lý nguy hiểm có thể tước đi mạng sống của bất kỳ ai trong vài giờ

Lê Tuấn| 10/12/2020 18:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo số liệu của Bộ Y Tế, ở Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mỗi năm. Tỉ lệ tử vong cao do chưa nhận biết được các dấu hiệu về đột quỵ, cấp cứu muộn, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị. Vậy chúng ta cần biết gì về bệnh đột quỵ?

Đột quỵ là gì?

Các tài liệu y học định nghĩa, đột quỵ não (hoặc tai biến mạch máu não) do mất đột ngột lưu lượng máu tới não, hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, từ đó có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Trong nhiều năm trở lại đây, số người mắc bệnh đột quỵ đang ngày càng tăng cao. Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm các yếu tố bệnh lý và các yếu tối không thể thay đổi. Nghiêm trọng hơn, giờ đây bệnh đột quỵ cũng không loại trừ bất kỳ độ tuổi nào, kể cả những người đang trong độ tuổi trẻ trung khỏe mạnh. Do đó, việc tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này ngay từ bây giờ là điều rất cần thiết.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ thế giới (WSO), thời điểm quan trọng (giờ “vàng”) của bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ. Trong khoảng thời gian đó, tốt nhất bệnh nhân bị đột quỵ cấp cần được đưa đến các bệnh viện trong vòng 20 đến 30 phút, được xem là thời gian "kim cương". Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân dẫn tới đột quỵ

Một số yếu tố nguy cơ khiến chúng ta có thể dễ bị đột quỵ hơn. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, càng có nhiều yếu tố nguy cơ, bạn càng dễ bị đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ gồm:

- Chế độ ăn: Một chế độ ăn uống hàng ngày không lành mạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Chế độ ăn không lành mạnh có thể hiểu là ăn quá nhiều muối, cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.

- Không vận động: Không vận động hoặc lười vận động cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bộ Y Tế khuyến nghị rằng người lớn nên có ít nhất 2,5 giờ tập thể dục nhịp điệu mỗi tuần, hoặc đơn giản hơn là đi bộ, chạy bộ.

- Nghiện rượu/bia: Nguy cơ đột quỵ của bạn cũng tăng lên rất lớn nếu bạn uống quá nhiều rượu. Chúng ta tiêu thụ rượu bia nên có giới hạn, tức là không quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá hai ly đối với nam giới.

- Sử dụng thuốc lá: Sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, vì nó có thể phá hỏng các mạch máu và tim của bạn. Hơn nữa hút thuốc lá có thể khiến huyết áp của bạn tăng lên khi bạn sử dụng nicotine.

- Tiền sử gia đình: Đây là yếu tố, nguy cơ mà bạn không thể kiểm soát và tránh khỏi liên quan đến tiền sử bệnh tật trong gia đình. Nguy cơ đột quỵ cao hơn người thường ở một số gia đình vì các vấn đề sức khỏe thuộc di truyền, ví dụ như huyết áp cao.

- Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ mắc đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.

- Tiền sử sức khỏe: Một số căn bệnh trước đó có liên quan đến nguy cơ đột quỵ. Bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, rối loạn tim, khuyết tật van tim, buồng tim mở rộng và nhịp tim không đều, nệnh tiểu đường.

Người bị đột quỵ được chăm sóc càng sớm thì khả năng kết quả của họ càng tốt. Vì vậy, sẽ vô cùng hữu dụng nếu chúng ta hiểu và biết rõ các dấu hiệu của đột quỵ để bạn có thể hành động nhanh chóng.

stroke-1.jpg
Méo miệng là 1 trong những biểu hiện của bệnh nhân đột quỵ.

Các triệu chứng chúng ta cần biết

Các triệu chứng đột quỵ bao gồm:

- Chóng mặt, đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân

- Lời nói lắp bắp, lú lẫn

- Gặp các vấn đề về thị lực, ví dụ mờ một bên mắt

- Khó nói hoặc khó nghe hiểu.

- Khó đi lại, mất thăng bằng

- Tê liệt hoặc tê (yếu) ở cánh tay, chân và mặt, đặc biệt là ở một bên cơ thể

Cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ

Các bác sĩ khuyến cáo: khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, chúng ta cần xử trí và hành động đúng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.

- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.

- Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời.

Lưu ý rằng khi sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ, chúng ta không nên tự ý điều trị như bấm huyệt, châm cứu, đánh gió (những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị).

Bên cạnh đó, không nên cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp.

Cách ngăn ngừa bệnh đột quỵ:

- Uống rượu/bia có chừng mực .

- Từ bỏ hút thuốc.

- Ăn nhiều hoa quả và rau quả.

- Tiêu thụ các thực phẩm ít cholesterol, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.

- Giữ cân nặng ổn định (tránh bệnh béo phì dễ dẫn đến đột quỵ cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác).

- Duy trì thường xuyên hoạt động thể chất.

- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại các cơ sở y tế gần nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột quỵ: Bệnh lý nguy hiểm có thể tước đi mạng sống của bất kỳ ai trong vài giờ