Để nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển mô hình Hội quán thời gian qua, chiều 18/11, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo "Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán".
Hội thảo được tổ chức với 2 chủ đề: "Phát huy vai trò cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thực hiện tư duy kinh tế nông nghiệp" và "Hội quán tham gia bảo vệ môi trường, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch nông nghiệp".
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp được ra đời vào giữa năm 2016 (Hội quán đầu tiên là "Canh Tân Hội quán" tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được thành lập vào ngày 3/7/2016).
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 145 Hội quán, với 7.580 thành viên; 127/143 xã, phường, thị trấn tại tỉnh đã có ít nhất 1 mô hình Hội quán.
Hội quán tham gia đa dạng hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề và đã thành lập được 38 hợp tác xã mới từ Hội quán.
Đây là mô hình thành lập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện của người nông dân và được xuất phát từ nhu cầu của chính của nông dân, do nông dân đồng lòng lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập.
Đồng thời, Hội quán là nơi chia sẻ chuyện đường làng - ngõ xóm, chuyện hợp tác - làm ăn, trồng cây này - nuôi con kia, rồi chuyện mua - bán nông sản...
Mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc "mua chung, bán chung", góp phần "giảm chi phí - tăng chất lượng", chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".
Mô hình Hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp được xem là ngôi nhà chung của người nông dân, là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và mang đậm bản chất giá trị cộng đồng rất cao.
Tại hội thảo, bên cạnh thông tin, đánh giá lại quá trình phát triển, đóng góp của mô hình Hội quán trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế - xã hội của địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại biểu thảo luận, chỉ ra những hạn chế, từ đó chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò, hiệu quả và giá trị cộng đồng của Hội quán.
Nhiều mô hình sản xuất tại Hội quán được phát triển nhưng chưa gắn kết nhiều với phát triển du lịch, cũng như còn hạn chế trong tham gia làm du lịch, tham gia bảo vệ môi trường tại nông thôn.
Cần tạo điều kiện để Hội quán tăng cường hoạt động cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ công tin, công nghệ số để tăng cường kết nối, mở rộng liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh.