Vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp dần hoàn thiện; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng… là những điều kiện để Tây Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Tây Ninh nằm ở phía Bắc khu vực Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 20,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 342.143 ha, chiếm 84,6% tổng diện tích đất tự nhiên; số hộ sản xuất nông nghiệp gần 276.000 hộ, chiếm 82,4% số hộ trên địa bàn tỉnh.
Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm 75 % giá trị, ngành chăn nuôi chiếm 21% giá trị.
Tây Ninh có kiểu địa hình đặc trưng chuyển tiếp giữa đồi núi thấp xuống đồng bằng châu thổ sông, khá bằng phẳng, với xu thế thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam.
Trong đó, vùng phía Bắc có địa hình trung du, điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất xám bạc màu, gồm các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu và Châu Thành, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi; vùng trung tâm có địa hình tương đối bằng phẳng, điều kiện thổ nhưỡng là đất phù sa, đất đỏ vàng, gồm TP Tây Ninh và huyện Hoà Thành, thích hợp cho sản xuất lúa và các loại cây hàng năm; vùng phía Nam có địa hình bằng phẳng, thổ nhưỡng chủ yếu là đất phù xa, đất phèn, gồm các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Bến Cầu, thích hợp cho sản xuất lúa, rau quả.
Tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cận xích đạo và có nhiều ưu thế như tổng lượng bức xạ cao và ổn định, nhiệt độ bình quân cao đều quanh năm, tổng tích ôn lớn, số giờ nắng nhiều, mưa nhiều, ít bão… đây chính là lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ, ứng dụng công nghệ cao.
Mặt khác, nguồn nước mặt của Tây Ninh dồi dào, được cung cấp bởi sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng.
Năng lực tưới của hệ thống thủy lợi cho sản xuất, chế biến công nghiệp đạt 148.610 ha/năm; vùng tưới triều khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông với diện tích tưới là 16.640 ha/vụ; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm khoảng 34.971 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 6,8 triệu m3 đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang hoàn thiện. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật được nâng lên đáng kể.
Cạnh đó, NNUDCNC và sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bước đầu hình thành và phát triển; nhiều dự án, mô hình điểm triển khai thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Đặc biệt, sản xuất NNUDCNC được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành và được xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất NNUDCNC cũng dần được ban hành và đi vào cuộc sống như chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, NNUDCNC và nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản...
Phát triển NNUDCNC là trọng tâm, đột phá
Tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp của Tây Ninh rất lớn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI đã xem phát triển nông nghiệp nhất là nông nghiệp sạch, NNUDCNC để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Đề án xây dựng vùng sản xuất NNUDCNC Tây Ninh, tỉnh hướng đến xây dựng các vùng ưu tiên cho sản xuất NNUDCNC trên địa bàn, góp phần thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản; tạo cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ.
Tây Ninh cũng xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh phấn đấu phát triển 20 vùng NNUDCNC trong giai đoạn 2022 - 2030 với diện tích quy hoạch trên 11.650 ha.
Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025 phát triển 9 vùng (6 vùng trồng trọt, 2 vùng chăn nuôi, 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi); giai đoạn 2026 – 2030 phát triển 11 vùng (8 vùng trồng trọt và 2 vùng chăn nuôi, 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi).
Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng NNUDCNC hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng. Riêng diện tích sản xuất NNCNC đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030.
Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Theo định hướng của tỉnh, với 20 vùng định hướng các sản phẩm NNUDCNC, đến năm 2030, Tây Ninh có khoảng 9.259,4 ha cây ăn trái, 900 ha mía, 275 ha lúa, 972.000 gà/năm, 10.000 bò sữa/năm, 40.000 lợn/năm được sản xuất tập trung, ứng dụng CNC với sản lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường trong năm đạt 120.000 tấn trái cây, 75.000 tấn mía, 1.650 tấn lúa, 7.400 tấn thịt gà, 45.000 tấn sữa tươi, 9.200 tấn thịt heo mang lại giá trị trung bình từ 150 – 180 triệu đồng/ha sản xuất, giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm tỷ lệ khoảng 40 – 50%.
Việc phát triển NNUDCNC cũng mang lại hiệu quả cao về xã hội, môi trường… góp phần nâng cao cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Vùng NNUDCNC là nơi sản xuất tập trung, ứng dụng CNC trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.