Động lực tăng trưởng mới của doanh nghiệp F&B

Trang Nhi| 28/12/2021 15:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xu hướng tiêu dùng mới sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) trong năm 2022.

Giá lương thực toàn cầu đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đợt giảm mạnh vào tháng 4 năm 2020 do đại dịch COVID-19.

fnb.jpg
Động lực tăng trưởng mới của doanh nghiệp F&B

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu bột mỳ cùng các sản phẩm trứng, sữa tăng mạnh đã góp phần khiến giá lương thực thế giới trong tháng 11/2021 tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, giá lương thực tăng cao thời gian qua do nguồn cung hàng hóa trên thế giới bị thiếu hụt, đặc biệt là ngô và đậu tương; nhu cầu về thực phẩm và đồ uống phục hồi ở các nước đã kiểm soát tốt tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, cũng như nhu cầu về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc tăng mạnh và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, trong bối cảnh đại dịch khiến chi phí logistics leo thang tạo áp lực lên chi phí đầu vào.

Khảo sát do Deloitte thực hiện nhằm đo lường kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho thấy, có đến 84% và 70% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B trong năm 2022.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định, đồng thời lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời sẽ giúp người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm cao cấp. Họ trở nên hiểu biết hơn nhiều về những tiêu chuẩn cao cấp.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề sức khỏe, do đó làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe.

Các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.

Dù vậy các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh triển vọng tích cực vẫn có những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến ngành F&B như dịch bệnh COVID-19 kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, phân phối và vận chuyển hàng hóa; chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn dự kiến, gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất. 

Xét trên bình diện chung của thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thực F&B có mức tăng không cao, thậm chí có mã còn giảm sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực tăng trưởng mới của doanh nghiệp F&B