Văn hóa - giải trí

'Dòng chảy' Công lý nơi phên dậu của Tổ quốc

Trang Việt 23/09/2023 14:00

Là một trong những cơ quan báo chí có đơn vị thường trú trên địa bàn Lạng Sơn, thời gian qua, Báo Công lý đã tích cực tuyên truyền về mọi mặt, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự xã hội của địa phương.

pct-huyen(1).jpg
Ông Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn

Nhân kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Báo Công lý, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên và Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn (nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn) đã có những chia sẻ, ghi nhận tích cực mà Báo Công lý đã mang lại cho tỉnh trong thời gian qua.

PV: Thưa Phó Chủ tịch, ông có thể chia sẻ những cảm nhận của cá nhân cũng như những đánh giá của tập thể UBND tỉnh về những mặt tích cực mà Báo Công lý đã mang lại cho địa phương trong thời gian qua?.

Ông Dương Xuân Huyên: Báo Công lý là 1 trong tổng số 11 cơ quan báo chí có văn phòng đóng trên địa bàn tỉnh. Mặc dù thời gian hoạt động trên địa bàn còn chưa lâu, nhưng cá nhân tôi cũng như lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá rất cao những đóng góp của báo cho địa phương.

Trung bình mỗi năm, báo có hàng trăm tin, bài, với nội dung phong phú, tuyên truyền đầy đủ mọi hoạt động của tỉnh. Những bài viết của Báo Công lý luôn là kênh thông tin tin cậy được Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh và các sở, ban ngành cũng như Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đón nhận. Những sản phẩm báo chí của Báo Công lý là món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần đưa hình ảnh, con người, văn hóa xứ Lạng đến với người dân cả nước.

Từ năm 2020 tới nay, khi Báo Công lý hoạt động tại địa phương thì cũng đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát nên cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Báo vẫn duy trì tốt và thường xuyên có những bài viết tuyên truyền trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 kịp thời và chính xác.

Đặc biệt, năm 2022 và 2023, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đón nhận rất nhiều những hoạt động quan trọng như: Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 - 15/6/2023) và công bố Kết luận của Bộ Chính trị công nhận đồng chí Lương Văn Tri là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; các hoạt động liên quan tới ngày giải phóng tỉnh Lạng Sơn và ngày sinh các đồng chí tiền bối lãnh đạo tiêu biểu của Đảng là đồng chí Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri…; các lãnh đạo Đảng và Nhà nước lên thăm và làm việc tại Lạng Sơn, Báo cũng đã nắm bắt tinh thần và tuyên truyền rất kịp thời.

Ngoài những bài viết tuyên truyền, cổ động thì Báo Công lý cũng đã có những bài viết phản ánh mang tính xây dựng cao. Những thông tin Báo đưa lên đã giúp tập thể lãnh đạo tỉnh kịp thời nắm bắt và có phương án xử lý sớm.

PV: Ông có thể cho biết quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong công tác phối hợp tuyên truyền giữa địa phương với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng trong thời gian tới?.

Ông Dương Xuân Huyên: UBND tỉnh Lạng Sơn luôn tạo điều kiện và coi báo chí là một lực lượng quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, là cầu nối thông tin quan trọng giữa chính quyền và người dân.

UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn trong thời gian tới, Báo Công lý tiếp tục đồng hành cùng sự nghiệp phát triển của tỉnh, cùng với các cơ quan báo chí Trung ương và báo của tỉnh đưa những kết quả phát triển kinh tế- xã hội cũng như hình ảnh đất và người Lạng Sơn đến với độc giả trong và ngoài nước, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách, các nhà đầu tư đến với tỉnh Lạng Sơn.

Một lần nữa, thay mặt tập thể lãnh đạo UBND tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận, cảm ơn đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, của văn phòng thường trú Báo Công lý nói riêng và tập thể cơ quan Báo Công lý nói chung đã luôn đồng hành, chia sẻ cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

anh-2-pv-tro-chuyen-voi-tien-sy-hoang-van-pao(1).jpg
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn (nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn) trò chuyện với Phóng viên

PV: Thưa Tiến sỹ, với góc độ của người làm chuyên môn cũng như quản lý cơ quan làm công tác Văn hóa, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về những sản phẩm báo chí được đăng tải trên Báo Công lý trong thời gian vừa qua?

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo: Là một độc giả của Báo Công lý, tôi thấy những tin, bài được đăng tải trên Báo Công lý vô cùng phong phú, đa dạng. Tôi rất ấn tượng với những bài viết về Pháp đình. Qua ngòi bút và tư duy sắc bén, góc nhìn đầy nhân văn, tác giả đã “biến” những vụ án khô cứng theo khuôn khổ của pháp luật thành sự mềm mại qua từng câu chữ, nó như một câu chuyện để kể cho người đọc về sự sai lầm của các bị cáo, qua đó mọi người sẽ nhận thức được những tình tiết như nào là phạm tội, hay vi phạm pháp luật. Đó chính là cái hay, cái được của Báo Công lý, bởi lẽ chính bài báo đã là một cách tuyên truyền và giáo dục sao cho người đọc biết và tiếp cận được những hành vi phạm tội mà tránh xa.

Trên góc độ của người làm văn hóa, tôi đánh giá cao những bài viết về văn hóa trên Báo Công lý. Đó là những sản phẩm báo chí rất đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng miền. Với từng đề tài khác nhau, từng nét văn hóa khác nhau, các phóng viên của báo đã lựa chọn từng cách viết, văn phong khác nhau…, nhưng tựu chung lại đều làm nổi bật các nhân vật, phong tục, nét đẹp mà các bạn đề cập trong bài. Các bạn đã mang đến cho người đọc như tôi một món ăn tinh thần với đầy đủ hương vị.

PV: Thời gian tới, để sản phẩm báo chí viết về lĩnh vực văn hóa được hay hơn, đa dạng và sâu sắc hơn, ông có thể chia sẻ đôi lời góp ý?

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo: Theo tôi, mỗi tờ báo có một vị thế, một tôn chỉ, mục đích riêng. Nhưng với Báo Công lý tôi cũng rất mong từ thế mạnh của mình, Báo sẽ có những bài viết đi sâu hơn nữa để người đọc cảm thấy nhẹ nhàng, sâu thắm qua từng câu chữ, biến sự khô khan thành mềm mại.

Hiện nay, thời đại công nghệ tiên tiến đang phát triển, cho nên các phóng viên rất dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin. Nhưng, ẩn sâu trong Nhân dân của mỗi vùng miền đều có rất nhiều những văn hóa sinh hoạt phong phú và đa dạng, nếu tác giả có thể xâm nhập để tìm hiểu thì mới có thể sản xuất được những sản phẩm báo chí tốt, được người đọc đón nhận. Tôi cũng rất mong muốn Báo Công lý có nhiều hơn nữa những bài viết về văn hóa, bởi vì văn hóa là sức mạnh mềm, nó vừa là động lực lại là nguồn lực.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Dòng chảy' Công lý nơi phên dậu của Tổ quốc