Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, sáng 6/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.
Nêu ý kiến về những người không được đăng ký dự tuyển dụng, Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị xem lại quy định tại điểm c khoản 4 Điều 14 những người có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.. không được đăng ký dự tuyển dụng.
“Theo quy định này được hiểu là những người có tiền án về các loại tội phạm này thì không được dự tuyển làm nhà giáo dù họ đã được xóa án tích, có phải như vậy không? Nếu được hiểu như vậy thì đề nghị bổ sung thêm nhóm phạm các nhóm tội tham nhũng bởi đây là nhóm tội thuộc về đối tượng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống”- đại biểu Tám nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu Tám, ngoài những nhóm người được quy định như trên thì còn những người đã phạm các tội phạm hình sự khác, chấp hành xong bản án và được xóa án tích thì nên cho họ dự tuyển nhà giáo.
“Chúng ta chỉ loại trừ những tội trên, còn những tội khác nhẹ họ được xóa án tích rồi thì nên cho họ dự tuyển. Nếu như vậy thì nên bổ sung những người đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích thì không được dự tuyển, còn nếu được xóa án tích rồi thì có thể dự tuyển”.
Về quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, theo đại biểu Tám “đây là một quy định nhân văn, thể hiện sự quan tâm đối với nhà giáo”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ, thang bảng lương đang thực hiện và sẽ thực hiện là xếp theo vị trí việc làm và ngạch bậc.
“Nếu chúng ta xây dựng bảng lương hay thang lương riêng cho nhà giáo như một số ý kiến đề xuất ở kỳ họp thứ 8 thì cần phải nghiên cứu thêm tính hợp lý giữa các ngành y tế hay là viện nghiên cứu như thế nào cho phù hợp. Cho nên, tôi đề nghị chỗ này cần phải làm rõ để đảm bảo khi được thông qua thì tính khả thi của luật được cao hơn”- đại biểu Tám phân tích.