Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cấp Ủy, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông Kỳ Sơn (Nghệ An) đã có nhiều đổi mới, ấm no, hạnh phúc, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định.
Kỳ Sơn là một trong các huyện nghèo, khó khăn nhất của cả nước; diện tích tự nhiên 209.484 ha, địa hình hiểm trở, đất bằng chỉ chiếm 1%, còn lại là đất đồi núi cao; huyện tiếp giáp với 4 huyện 3 tỉnh của nước bạn Lào với đường biên giới dài 203,4 km, có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới; có 172 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có trên 80 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 36% dân số toàn huyện, cư trú gần như khắp 21 xã thị trấn trên địa bàn huyện.
Các xã vùng cao như: Huồi Tụ, Mường Lống, Tây Sơn, Na Ngoi, Nậm Càn, Nậm Cắn, Đoọc Mạy… trước đây được biết đến là thủ phủ của cây hoa anh túc, cây thuốc phiện. Tuy nhiên, với quyết tâm ngăn chặn, phá nhổ triệt để cây thuốc phiện trên địa bàn, những thung lũng cây thuốc phiện ngày nào giờ đây được thay thế bằng nhiều loại cây ăn quả, như Mận tam hoa, Đào, cây Hồng, khoai sọ và các con giống vật nuôi bản địa, giúp nhiều hộ gia đình đồng bào người Mông vươn lên trở thành những “triệu phú” ở vùng biên viễn của Xứ Nghệ.
Đến thăm gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Hờ Gà Vừ, là già làng, người có uy tín bản Huồi Khe, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, ông Vừ vươn tay hướng về phía sau lưng khoe với chúng tôi, vùng đất này trước đây là rẫy cây hoa thuốc phiện của người dân trong bản trồng, sau khi có chủ trương xóa bỏ loài cây này, gia đình ông đã khoanh, bảo vệ để làm chỗ chăn thả trâu, bò và trồng các loại cây ăn quả mang lại lợi nhuận kinh tế cao hơn cho gia đình.
“Từ khi Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương cấm trồng cây thuốc phiện; đồng thời, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì vùng đất này đã thực sự hồi sinh. Trên các diện tích đất trồng cây thuốc phiện ngày ấy, hôm nay là các khu gia trại chăn nuôi tổng hợp, bạt ngàn các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, đã mang đến cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình đồng bào Mông ở xã Huồi Tụ. Nhờ mô hình chăn nuôi tổng hợp đã mang lại thu nhập cho gia đình tôi từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm”, ông Vừ chia sẻ.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… khang trang, làm thay đổi bộ mặt khu dân cư ở vùng cao.
Nhiều nhà văn hóa bản mới kiên cố cũng được xây mới cho các bản làng miền núi, tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ cho người dân sinh hoạt, hội họp và hoạt động văn hóa, văn nghệ thuận lợi, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhờ đó bà con phấn khởi hơn.
Khi điều kiện kinh tế của người dân đã ổn định, thì công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở huyện vùng cao Kỳ Sơn được thực hiện có hiệu quả hơn.
Vốn am hiểu và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông, ông Lầu Chơ Chểnh, già làng bản Mồng Lống 2, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, đã và đang phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Ông Chểnh chia sẻ: “Từ ngày trên địa bàn xã Mường Lống hình thành các homestay du lịch, tôi cùng các con cháu trên địa bàn thường được mời đến biểu diễn văn nghệ và thể hiện các điệu múa khèn truyền thống của đồng bào Mông phục vụ khách du lịch. Nhờ đó có thêm thu nhập, đồng thời cũng là dịp truyền dạy nét đẹp văn hóa truyền thống cho con cháu học tập”..,
“Một bản có một đội văn nghệ phục vụ cho các ngày lễ lớn, hay khi có du khách yêu cầu, thông qua đó các cụ cao niên đã và đang phát huy được phong tục tập quán văn hóa văn nghệ của các dân tộc ở đây”, ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống, cho biết thêm.
Cùng với những nỗ lực giúp đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, xây dựng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Chính quyền các cấp, các ngành và lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn như: Công an, biên phòng cũng đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Từ đó góp phần giữ vững bình yên ở các bản làng, giảm dần tình trạng di cư trái phép sang Lào, người dân cư trú ổn định, tạo thế trận an ninh vững chắc, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
“Sau khi vào nhận công tác, chúng tôi đã xây dựng mô hình phòng, chống di dịch cư trái pháp luật tại địa bàn xã Mường Lống, từ đó đã lan tỏa trong nhân dân và tuyên truyền tốt cho nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhân dân đã thực hiện tốt vấn đề ổn canh, ổn cư để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Tình hình vi phạm an ninh trật tự trên địa bàn giảm hẳn”, Trung tá Vừ Bá Tếnh, Trưởng Công an xã Mường Lống, Kỳ Sơn cho biết.
Những con đường rải nhựa rộng rãi, điện lưới quốc gia được thắp sáng các bản làng, những mãi trường, lớp học được xây dựng khang trang… Và màu xanh của những triền đồi chè Shan tuyết bạt ngàn bên những bản làng màu ngói mới. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Mông thêm ấm no, ngày càng khởi sắc.