Pháp luật về trọng tài của Việt Nam hiện nay còn khá chung chung, một mặt đang để cửa mở để các trung tâm trọng tài, hội đồng trọng tài và các bên tranh chấp được quyền linh hoạt trong việc giải quyết vụ tranh chấp.
Sáng 4/4, tại Trường Đại học Luật TP.HCM, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW) và Đoàn Luật sư TP.HCM phối hợp tổ chức Diễn đàn Khoa học về Trọng tài – Hòa giải 2025 với chủ đề "Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện".
Mở đầu, PGS. TS Phạm Duy Nghĩa, Thành viên Hội đồng VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) phát biểu, một nền kinh tế hiện đại, năng động sẽ đi cùng với nhiều thách thức mới cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đây kéo theo các tranh chấp.
Theo ông Nghĩa, ở góc độ của trung tâm trọng tài và một trọng tài viên đã giải quyết nhiều vụ tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp chỉ thực sự hiệu quả khi tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Pháp luật về trọng tài của Việt Nam hiện nay còn khá chung chung, một mặt đang để cửa mở để các trung tâm trọng tài, hội đồng trọng tài và các bên tranh chấp được quyền linh hoạt trong việc giải quyết vụ tranh chấp.
Tiếp theo, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC chia sẻ, với vai trò là cơ sở đào tạo luật đầu ngành, Trường luôn đồng hành và ủng hộ các hoạt động học thuật, nghiên cứu. Đặc biệt trong các lĩnh vực đang nhận được ngày càng nhiều hơn của cộng đồng như trọng tài – hòa giải hay các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nói chung.
Theo ông Dũng, việc Diễn đàn quy tụ được nhiều chuyên gia uy tín, có bề dày kinh nghiệm để thảo luận sâu về các vấn đề từ góc độ lý thuyết đến thực tiễn là điều hết sức giá trị.
Đây không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức mà còn góp phần xây dựng những kiến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả áp dụng trọng tài và ADRs tại Việt Nam.
Cũng tại phần khai mạc, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập, hiệu quả, nhanh chóng; bảo vệ quyền lợi của các bên với đội ngũ trọng tài viên giàu kinh nghiệm, phương thức này ngày càng được doanh nghiệp quan tâm nhờ tính linh hoạt và tốc độ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số vụ việc bị kéo dài không cần thiết, phần nào làm giảm hiệu quả của trọng tài. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cả sự thiếu cụ thể trong các quy định pháp luật, từ năng lực điều phối của Hội đồng Trọng tài, tổ chức trọng và từ sự hợp tác của các bên tranh chấp.
Với cấu trúc dưới dạng các phiên thảo luận, trong đó gồm 02 phiên chính là: Phiên toàn thể và Phiên chuyên môn, Diễn đàn Khoa học AMS 2025 đã cung cấp cho người tham dự nhiều thông tin bổ ích dưới góc độ học thuật và thực tiễn về hoạt động quản trị thời gian trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài.
Diễn đàn tiếp tục với các phiên thảo luận tiếp theo trong vòng 1 ngày.