Xã hội

Phân nhánh thủ tục để rút ngắn thời gian giải quyết trong tố tụng trọng tài

Minh Đức 04/04/2025 - 16:39

Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng thủ tục phân nhánh khi nhận thấy vụ tranh chấp có diễn biến phức tạp và cần thiết phải phân chia thành các vấn đề để giải quyết lần lượt.

Chiều 4/4, sau phiên toàn thể vào buổi sáng, phiên chuyên môn được triển khai vào buổi chiều hướng đến mục tiêu thảo luận về một số công cụ kiểm soát thời gian giải quyết tranh chấp điển hình, đang được vận dụng tại trọng tài quốc tế và tính khả thi khi triển khai tại Việt Nam.

3-quyen-chi-se-p2422886.jpg
Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC điều phối phiên chuyên môn.

Mở đầu là phiên A nói về “Phân nhánh thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp phức tạp” dưới sự điều phối của Luật sư Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC.

Các chuyên gia tham gia gồm: Luật sư Lê Nết – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC; Luật sư Lars Markert – Luật sư Thành viên Nishimura & Asahi; LS. Đặng Việt Anh – Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC.

Tại phiên này, các chuyên gia đã phân tích về các ưu, nhược điểm khi áp dụng thủ tục phân nhánh tố tụng để giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

3-le-net-p2422906.jpg
Luật sư Lê Nết – Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC thảo luận.

Theo các chuyên gia, Hội đồng Trọng tài có thể cân nhắc việc áp dụng thủ tục phân nhánh khi nhận thấy vụ tranh chấp có diễn biến phức tạp và cần thiết phải phân chia thành các vấn đề để giải quyết lần lượt.

Trên thực tế, có nhiều cách phân đoạn tố tụng, có thể theo hướng phân chia giải quyết các vấn đề về tố tụng, hình thức trước và sau đó là giải quyết các vấn đề về nội dung vụ tranh chấp; hoặc trong quá trình giải quyết các yêu cầu khởi kiện, Hội đồng Trọng tài cũng có thể nhóm các yêu cầu khởi kiện lại và phân ra để giải quyết sao cho hiệu quả và rút ngắn thời gian nhất.

Các chuyên gia đều đồng ý rằng, việc phân nhánh thủ tục tố tụng là một giải pháp khoa học, cho phép Hội đồng Trọng tài, các bên giải quyết lần lượt và khép lại triệt để các vấn đề đang tranh cãi mà không phải trao đổi qua lại nhiều lần.

3-quang-canh-p2422893.jpg
Toàn cảnh phiên A về “Phân nhánh thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp phức tạp”.

Tuy nhiên, bản thân công cụ này cũng sẽ tiềm ẩn một số rủi ro và có thể trở thành chiến lược cho việc trì hoãn nếu các bên không có ý định muốn giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp…

Qua những phân tích về ưu - nhược điểm cũng như so sánh, đối chiếu thực tiễn tại Việt Nam và quốc tế, các chuyên gia cũng có một số khuyến nghị cho Hội đồng Trọng tài và các bên khi áp dụng thủ tục phân nhánh tố tụng.

Cụ thể, để việc phân nhánh thủ tục tố tụng đạt được hiệu quả, về phía Hội đồng Trọng tài cần có sự đánh giá về diễn biến tranh chấp, khả năng kéo dài tố tụng, phản ứng của các bên để đề nghị hoặc quyết định áp dụng thủ tục phân nhánh.

Về phía các bên tranh chấp, khi quyết định áp dụng thủ tục phân nhánh tố tụng, các bên, đặc biệt là luật sư (đại diện ủy quyền hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp) cần có tinh thần phối hợp, chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ đầy đủ để giải quyết các vấn đề dứt điểm; tránh để việc phân nhánh gây ra tác dụng ngược, gây kéo dài tranh chấp và ảnh hưởng đến chi phí, nguồn lực của các bên.

Kết thúc phiên A, phiên B tiến hành bàn luận về các vấn đề liên quan đến “Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp không phức tạp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân nhánh thủ tục để rút ngắn thời gian giải quyết trong tố tụng trọng tài