Đòi đất hơn 30 năm chưa giải quyết xong

congly.com.vn| 13/04/2012 11:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 1242/VPCP-KNTN ngày 1-3-2012 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đôn đốc kiểm tra, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật 7 vụ việc thuộc thẩm quyền của tỉnh. Trong danh sách kèm theo đó, việc đầu tiên là vụ khiếu nại đòi đất của bà Trần Thu Nga ở 32 Cửa Nam, phường Chi Lăng, Tp. Lạng Sơn. Đây là vụ việc khéo dài hơn 30 năm nhưng Lạng Sơn chưa giải quy�

Quyền sở hữu hợp pháp


Tháng 12- năm 1959, bố mẹ bà Nga là cụ Trần Văn Khuê (mất năm 1985) và cụ Tạ Thị Chuột ( mất năm 2000) đã mua ngôi nhà và thửa đất tại số 2 Hoàng Diệu ( nay là số 3 Hoàng Diệu) và số 9 cũ phố Quang Trung. Do thửa đất hai mặt phố nên có 2 số nhà, là thửa số 38 tờ bản đồ số 4, có chỉ số 256-47 bản đồ giải thửa thị xã Lạng Sơn, tổng diện tích gần 200m2. Hai bên mua bán đã thực hiện đầy đủ quy định hiện hành lúc bấy giờ, có xác nhận của UBHC Khu phố thị xã Lạng Sơn, sang tên trước bạ tại UBHC thị xã Lạng Sơn… Như vậy, bố mẹ bà Nga là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà và thửa đất này từ tháng 12-1959.

Khu đất của gia đình bà Nga bị lấn chiếm


Do đất rộng nên năm 1965 VKSND tỉnh Lạng Sơn xây dựng trụ sở đã lấn chiếm một phần đất của gia đình bà Nga. Năm 1966 chính quyền vận động nhân dân đi sơ tán đề phòng máy bay Mỹ đánh bom thị xã, gia đình bà Nga đi sơ tán cách nhà 5 km. Năm 1967, máy bay ném bom trúng khu trụ sở VKS và gia đình bà Nga nên tất cả bị san phẳng. Vì hoàn cảnh chiến tranh vô cùng khó khăn nên gia đình bà Nga sau đó cũng chỉ dựng lại được một căn nhà nhỏ để sinh sống…

Đến năm 1973-1974, Nhà trẻ 8-3 lợi dụng chiến tranh, dựng tạm hai gian nhà lá lên phần đất số 9 Quang Trung của gia đình bà Nga để làm kho. Khi thắc mắc thì họ nói là mượn đất dựng tạm, nhưng họ sửa chữa nhiều lần mà không trả lại. Vì vậy, liên tục từ năm 1977-1978 đến nay, cụ Khuê, cụ Chuột rồi đến bà Nga và các em là Trần Văn Thanh, Đoàn Bích Lộc (vợ ông Thanh), Trần Giang Long liên tục có đơn khiếu nại đòi Nhà trẻ 8-3 trả lại đất cho gia đình nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.


Mới đây, ông Đinh Xuân Dục hiện ở 24 phố Phan Chu Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, Tp. Lạng Sơn xác nhận: “Thời kỳ 1977-1978 tôi phụ trách công tác nhà đất thuộc Phòng Xây dựng thị xã Lạng Sơn cũ, đã tiếp nhận đơn khiếu nại của ông Trần Văn Thanh… về việc đòi lại đất tại số 9 phố Quang Trung, thị xã Lạng Sơn bị nhà trẻ 8-3 lấn chiếm. Sau khi xác minh, đối chiếu hồ sơ giấy tờ, tôi thấy đơn đòi lại đất của gia đình ông Thanh là đúng, nên đã làm văn bản báo cáo lên UBND thị xã Lạng Sơn, đồng thời gặp lãnh đạo nhà trẻ để hỏi về vấn đề này thì được trả lời rằng phải UBND tỉnh mới giải quyết được”.


Như vậy, cán bộ chức năng đã tham mưu rất đúng nhưng tiếc là không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, dẫn đến tranh chấp kéo dài. Ông Dục cũng ghi rõ là đã xác nhận việc đòi lại đất của gia đình ông Thanh vào ngày 29-9-2000, nay xác nhận lại. Xác nhận có thị thực của chính quyền địa phương.


Phải giải quyết đúng pháp luật


Trong hành trình khiếu kiện hơn 30 năm qua của gia đình bà Nga, cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng có đưa ra hai văn bản then chốt. Thứ nhất là Tờ trình số 201/XD-TTr ngày 28-8-1996 của Sở Xây dựng Lạng Sơn nhận định “Vợ chồng bà Chuột đã nộp thuế trước bạ và hoàn tất thủ tục theo quy định của Nhà nước từ tháng 12 năm 1959 và là chủ sở hữu hợp pháp ngôi nhà số 2 cũ phố Hoàng Diệu và số 9 phố Quang Trung”, sau đó Sở Xây dựng nêu: “Năm 1973-1974, Tỉnh thu hồi đất xây dựng Nhà trẻ 8-3… tại thời điểm này Nhà nước chưa có chính sách đền bù”.


Thứ hai là Quyết định 1342/QĐ-UB ngày 4-8-1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giải quyết khiếu nại của gia đình bà Nga cũng nêu: “ Năm 1973-1974, UBHC tỉnh Lạng Sơn quyết định xây dựng lớp mẫu giáo tại khu vực phố Hoàng Diệu… ( QĐ số 257 UB/QĐ ngày 1-10-1973 và QĐ số 65 UB/QĐ ngày 4-6-1974). Trong khu đất UBHC tỉnh thu hồi để xây dựng lớp mẫu giáo có cả đất trước đây tỉnh đã giao cho VKSND tỉnh xây dựng trụ sở làm việc nhưng bị phá hủy trong chiến tranh chống Mỹ”. Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn bác đơn đòi đất của gia đình bà Nga.


Cả hai văn bản đều nói đến việc “tỉnh thu hồi đất” nhưng cả hai cơ quan này đều không đưa ra số Quyết định thu hồi đất đối với thửa đất số 9 phố Quang Trung của gia đình bà Nga. Gia đình bà Nga cũng cho biết, họ đã có nhiều đơn thư phản ánh họ không hề nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất nào đối với thửa đất mà gia đình đòi suốt mất chục năm qua.


Như vậy là suốt từ năm 1977 đến nay, gia đình bà Trần Thu Nga liên tục đòi lại mảnh đất mà gia đình có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng trên cơ sở pháp luật.


Xin lưu ý, thời điểm năm 1977-1978 Hiến pháp 1959 đang có hiệu lực thi hành, Điều 14 quy định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân”; Điều 15:“Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của những người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác”…



Điều 20 quy định: “Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định”.


Vì vậy, gia đình bà Trần Thu Nga đòi lại đất mà gia đình là chủ sở hữu bị lấn chiếm là có căn cứ, được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Hy vọng, với sự quan tâm, đôn đốc của Văn phòng Chính phủ, lần này vụ việc kéo dài 30-40 năm qua của gia đình bà Nga được giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý.

Thái Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi đất hơn 30 năm chưa giải quyết xong