Độc đáo Tết Mường

Nam Hoàng| 01/01/2016 06:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Trải qua bao biến động của lịch sử, thời gian nhưng Tết của người Mường vẫn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán tốt đẹp từ ngàn xưa truyền lại.

Thành kính với tổ tiên

Dân tộc Mường hiện có khoảng gần một triệu người, cư trú chủ yếu ở Hòa Bình, Hà Tây, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa; trong đó nhiều nhất là ở Thanh Hóa (trên 22 vạn người). Họ sống trong các thung lũng được khép kín bởi những triền núi đá vôi bao quanh. Mường Bi (Hòa Bình) là một trong những Mường cổ nhất.

Về trình tự và phong tục, có lẽ Tết của người Mường là gần với Tết của người Kinh nhất. Theo ông Đinh Công Dũng (63 tuổi, ở Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết thì đối với người Mường, Tết Nguyên Đán thực sự bắt đầu từ ngày 27 - 28 tháng Chạp. Đây là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn nhất để dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm Tết. Gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng sủa.

Độc đáo Tết Mường

Ông Đinh Công Dũng: “Tết Nguyên Đán của người Mường thường bắt đầu từ ngày 27 - 28 tháng Chạp”

Mâm cỗ dâng tổ tiên của của người Mường thường có bánh chưng, mật, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, quếch, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối, ớt, nộm thịt và các loại rau đắng, măng đắng đã đồ cẩn thận. Điều đặc biệt trong mâm cỗ này là các món thịt phần đều được bày trên lá chuối. Sau khi đã soạn xong, cỗ mới được người già hoặc đàn ông trong gia đình bưng đặt lên bàn thờ. Thông thường, mỗi bàn thờ tổ tiên được đặt 3 mâm: Mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm thứ ba (trong cùng) thờ cụ kỵ.

Các vị trí đặt đồ thờ có thể ở trong nhà hay ngoài sân. Khi các mâm lễ được đặt vào vị trí, gia chủ bắt đầu thực hiện khấn lễ. Đầu tiên, ông xướng tên và nơi ngự của các vị được thờ và lạy từng vị một; tiếp đó là phần trình bày lý do mời và dắt các vị về tận nhà chủ thờ. Sau đó, gia chủ cùng tất cả con cháu trong nhà lạy chào tổ tiên và thần thánh. Sau thủ tục lạy chào, thầy cúng bắt đầu khấn dâng; dâng đủ 10 tuần cơm rượu thì được coi là các vị đã thật sự no say; rồi xin mời các cụ đứng dậy thu dọn đồ đạc trở về nơi ngự; con cháu lại xin được “rút mâm lui, lùi mâm xuống”, hưởng lộc của các cụ.

Trước khi ăn, con cháu xếp hàng lạy kính các bậc cha mẹ, ông bà, các cụ. Người già đứng lên nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn giàu có để nuôi nấng, cung phụng người già. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi các mâm - tiếng Mường gọi là “buông cỗ” là thủ tục chào chúc tốt lành, mọi người mời nhau uống rượu, mời ăn các món lần lượt từ món rau đắng đồ đến món thịt luộc. Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt cả bữa cỗ, gần như là mỗi lần gắp là một câu hát thường dang, bọ mẹng, hát ví, mo, kể chuyện… làm bữa ăn thêm hoan hỉ. Sự nhiệt tình của mọi người đem lại niềm vui cho các thành viên trong gia đình. Tất cả đều thể hiện một ước vọng mong muốn một năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn cho mọi người.

Cùng với mâm cỗ Tết, người Mường còn trồng một cây nêu trước cửa nhà. Nêu được làm bằng cây tre hoặc cây lành hanh, cũng thuộc họ nhà tre, nhưng thân nhỏ, đốt thưa, thẳng và rất cao.

Hát sắc bùa trong ngày Tết

Vào ngày Tết, khắp xứ Mường, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Trong đêm giao thừa, những người có uy tín trong bản vận trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng đi chúc tết các gia đình. Người Mường gọi nghi lễ này là phường bùa. Phường bùa đi sắc bùa thành hàng và có đủ cả nam lẫn nữ. Phường bùa đến nhà hẹn trước để hát sắc bùa, khi đến cổng, người đi đầu hát bài mở cổng và chủ nhà ra mở cổng chào đón.

Khi phường bùa đi vào sân, vừa đi vừa đánh cồng, sau mỗi bài cồng là người trong phường hát một bài chúc tụng. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.

Theo người Mường, sắc bùa còn được gọi là xéc bùa, có nghĩa là xách cồng. Đây là hoạt động không thể thiếu của bà con dân tộc Mường nhân dịp năm mới, cũng là lúc đón khách quý từ xa tới thăm, tạo tình đoàn kết giữa các dân tộc. Việc diễn tấu cồng chiêng sắc bùa đầu xuân không những tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp đầu xuân mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những tiếng sấm đuổi quỷ, xua ma, cầu yên lành cho dân làng, tình đoàn kết cộng đồng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa mang bội thu.

Độc đáo Tết Mường

Thiếu nữ Mường múa hát trong ngày Tết

“Sắc bùa thường do những người biết đánh cồng, hát và tự thành lập thành một phường bùa. Một phường bùa gồm 12 người, tượng trưng với bộ cồng chiêng 12 chiếc - là 12 tháng trong năm. Thường, người hát hay, đánh cồng giỏi sẽ đứng đầu phường bùa. Trang phục cho những người sắc bùa không cần cầu kỳ nhưng phải đẹp. Nữ phải mặc váy áo Mường, tay đeo vòng, kiềng, xích bạc, nam mặc áo dài chít khăn đầu rìu”, ông Đinh Công Dũng chia sẻ.

Sau mồng 2 Tết, phường bùa sẽ đi sắc các gia đình trong bản và những ngày sau đó có thể đi sắc các bản khác. Phường bùa đi đến đâu, không khí rộn rã đến đó. Những nhà biết phường bùa đang tới thì sẽ chuẩn bị nghênh tiếp. Phường bùa sẽ hát những bài có lời chúc tụng, mong gia đình sang năm mới hạnh phúc, sức khỏe.

Hát xong, gia chủ sẽ mời phường bùa vào nhà và cùng chúc nhau chén rượu năm mới, nhâm nhi các món ăn cổ truyền. Trong men rượu nồng ca, họ hân hoan thi thố tài năng bằng các làn điệu truyền thống. Trước khi ra về, chủ nhà sẽ mang bánh và những thứ quà ngon để tặng thay lời cảm ơn đối với phường bùa. Và cứ thế, phường bùa đi khắp các nhà, mang lại không khí tươi vui cho mùa Xuân. Tết của người Mường thường kết thúc vào ngày mồng 7 tháng Giêng.

Đặc sắc Đang đối

Người Mường cũng nổi tiếng về lòng hiếu khách. Trong suốt những ngày tết, khi có khách đến nhà, bao giờ gia chủ cũng rải chiếu, pha nước mời khách, dưới bếp thì nổi lửa nấu cơm. Khi ngồi mâm cơm, chủ nhà thường chào rất khiêm tốn. Ðại loại như “Mấy khi anh chị đến thăm, để gắn thêm tình thân gia đình chỉ có đĩa  rau, đĩa muối để anh chị đỡ đói. Ðến lần này đừng chừa lần khác”. Rồi mời khách uống rượu. Nhưng khách (đặc biệt là khách biết hát Đang, tức là đối đáp) thì không nâng chén vội mà chắp tay đáp lễ. Ðại ý: “Ðã lâu không đến thăm nhà ta, nay chân đi mồm đi theo. Cảm ơn anh, chị vẫn nhớ tình nghĩa có mâm cao cỗ đầy tiếp đãi”. Nói rồi hai bên vui vẻ nâng chén.

Khi rượu đã ngà, chuyện tới hồi rôm rả thì hai bên bắt đầu Ðang đối. Nếu khách Ðang trước, thường là dùng làn điệu Ðang tồn (tôn chủ nhà lên hoặc tôn mâm cơm). Dù mâm cơm có thế nào, khách vẫn qua các câu dạo đầu, đại ý: “Ði trên đường đã nghe con chim mít nó báo/Vào đến bản đã nghe con chim cu nó dặn/Nhà ta đang ăn nên làm ra/Giờ thấy mâm cơm quả lời đồn có thật”, hoặc ngợi ca lòng mến khách của gia chủ: “Không khinh em (anh) nghèo hèn đến thăm, đáng lẽ tiếp cơm rau cũng xong. Ðằng này anh, chị lại tiếp mâm cỗ nhà quan…”.

Cứ thế khách kể đủ thứ cao lương mỹ vị, mặc dù trong mâm không có. Nếu như trường hợp khác thì chủ nhà có thể cho là khách nói kháy mình, nhưng đây là Ðang đối đáp cho vui, để biết cái tài đặt lời Ðang của đối phương, cho nên không có chuyện tự ái khi khách tôn mình lên quá đáng. Vì vậy, khi khách kết thúc bài Ðang tồn, thường chủ nhà dùng làn điệu Ðang kèng hay Ðang tàn xần (tủi thân, hạ mình xuống) để đáp lại. Khách càng tôn mình lên bao nhiêu, thì mình tự hạ thấp bấy nhiêu. Chẳng hạn nói về mâm cơm, dù có sang mấy vẫn: “Cơm con nhà nghèo chỉ có củ băng, củ nâu/Dúm rau đắng với bát canh cỏ bợ/Bầu rượu nhạt mong anh chị đừng sợ lần sau...”.

Chủ nhà buông lời thì khách tiếp, cuộc vui cứ thế kéo dài. Có chủ nhà vì không biết Ðang phải nhờ đến “cây” Ðang trong bản đến tiếp khách giúp. Nếu cuộc đối đáp này lại diễn ra giữa tình yêu đôi lứa thì càng say xưa, đằm thắm tưởng không đủ đêm ngày để bày tỏ hết nỗi lòng. Tuy nhiên, Ðang đối cũng như các điệu Ðang khác phải có người có giọng Ðang quyến rũ. Ðiều đặc biệt là các bài Ðang không có sẵn mà chỉ có một cái sườn cơ bản, ở trong các sườn đó người Ðang có thể sáng tạo uyển chuyển theo ý mình.

Trong các thể Ðang đối thì Đang đối trong tình yêu là lôi cuốn và hấp dẫn nhất. Nó dễ làm cho người nghe nhãng quên thực tại, thả tâm hồn bay bổng, lâng lâng. Trai gái chơi xuân, gặp nhau, mỗi bên đều có quyền chọn một người Ðang thay mình và thường là người có tài ứng biến, xuất khẩu thành thơ. Người Đang có lúc dùng Ðang kèng (kháy nhau), có lúc lại Ðang tồn, nhưng cũng có lúc lại dùng Ðang tàn xần (buồn phiền vì phận nghèo hèn). Mỗi khi người con gái ra lời Ðang ướm: “Anh là ai, trông ra con nhà quan/Muốn bắt quen mà sao cứ thấy lạ”, thường thì người con trai sẽ dùng Ðang tàn xần đối lại: “Nghe em hỏi mà lòng anh đau từng khúc ruột/Nhà anh nghèo cột tre mái lá/Ngày Tết nghe nhà trên rán mỡ/Còn nhà anh rang vỏ ốc cho giống tiếng kêu”.

Dẫu rằng cách ăn, cách chơi Tết của người Mường trải qua bao năm đã thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Như ở nhiều nơi họ cũng đã bắt đầu ăn Tết 23 tháng Chạp, cũng mua cá về nhà để thả, việc thờ cúng cũng gọn nhẹ hơn. Nhiều trò chơi dân gian vẫn được tổ chức nhưng cũng có thêm các trò chơi hiện đại thu hút nhiều người tham gia. Nhưng phần lớn những phong tục đẹp, chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Tết Mường