Đời sống

Độc đáo đôi rồng gốm sứ tại Hồ Tây

Đ. Việt 10/02/2024 09:00

Hình ảnh loài Rồng được biết đến là loài linh vật biểu thị cho sức mạnh phi thường. Do đó, rất nhiều nơi đã lấy hình tượng quen thuộc này để tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo, trong số đó phải kể đến đôi rồng ở Hồ Tây – công trình từ thời Lý, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh.

Từ xa xưa, hình tượng con rồng đã trở nên vô cùng quen thuộc và phổ biến trong kiến trúc và mỹ thuật của người Việt. Theo một số nhà nghiên cứu, con rồng bắt đầu xuất hiện từ thời Lý với truyền thuyết dời đô của Lý Công Uẩn. Con rồng thời Lý có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo, gắn liền với các hình tượng như đức Phật, hoa sen, lá đề, chùa chiền…

Thời Lý, Phật giáo Việt Nam phát triển đến đỉnh cao, vì vậy hình tượng con rồng thời Lý cũng mang những biểu hiện của mỹ thuật Phật giáo. Đặc biệt, con rồng thời này có những nét khác biệt với con rồng của các triều đại khác, điều này được phản ánh qua các bộ phận trên cơ thể con rồng.

anh-4.jpg
Hai con Rồng ở Hồ Tây được lắp đặp theo hướng một Rồng chầu hướng Bắc, một Rồng chầu hướng Nam, còn phía trước là không gian mặt nước rộng lớn, phía sau là Vườn hoa Lạc Long Quân tạo một điểm nhấn đẹp

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Rồng phải được đặt tại nơi trang trọng, gắn với nước và gắn với địa điểm mang dấu ấn lịch sử, văn hóa. Hồ Tây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Với lợi thế vị trí độc đáo, Hồ Tây gần như bao trọn không gian văn hoá lịch sử gắn liền với nhiều truyền thuyết, các công trình nghệ thuật, kiến trúc, gắn với lịch sử ngàn năm thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ đó, Hồ Tây chính là vùng đất lý tưởng để đặt dấu ấn rồng thiêng.

Ngày 3/1/2012, đôi rồng gốm sứ thời Lý do Công ty Du lịch dịch vụ làng Bát Tràng trưng bày tại Công viên Bách Thảo nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chính thức được di dời đến lắp đặt tại Hồ Tây. Điểm được lựa chọn là đường Nguyễn Hoàng Tôn kéo dài, vị trí đặt Rồng đối xứng với Phủ Tây Hồ, đối xứng với trục Hồ Tây - Ba Vì và trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo sự gắn kết chặt chẽ với các địa danh văn hóa.

anh-5.jpg
Mỗi con rồng cao 8.5m và dài 15.6m, được gia công bằng lớp bê tông dày và khung thép chắc chắn với tổng khối lượng lên tới 60 tấn

Ông Đỗ Anh Tuấn, phụ trách việc lắp đặt, vận chuyển Rồng thuộc UBND quận Tây Hồ thời điểm bấy giờ cho biết: Sau khi xem xét các yếu tố liên quan, các nhà nghiên cứu và các cơ quan thành phố cùng thống nhất với quận Tây Hồ lắp đặt đôi Rồng trên mặt nước Hồ Tây, cách đường dạo ven hồ 12m . Việc lắp đặt được tiến hành tỉ mỉ, một Rồng chầu hướng Bắc, một Rồng chầu hướng Nam . Phía trước là không gian mặt nước rộng lớn, phía sau là Vườn hoa Lạc Long Quân tạo một điểm nhấn đẹp.

Mỗi con Rồng cao 8.5m và dài 15.6m, được gia công bằng lớp bê tông dày và khung thép chắc chắn với tổng khối lượng lên tới 60 tấn. Ngay cả bệ Rồng cũng ốp gốm sứ, hoàn toàn phù hợp với màu sắc, hình thức đôi Rồng. Công trình không chỉ đơn thuần xây bệ đỡ, UBND quận Tây Hồ còn tạo cảnh quan chiếu sáng và đài phun nước từ miệng Rồng, tạo sự sinh động cho đôi Rồng.

Theo thiết kế, phía ngoài thân rồng được trang trí bằng nhiều mảnh gốm sứ, ấm chén, chai lọ nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Trong đó, phần thân được chế tác từ 6.000 chiếc đĩa và 4.000 chiếc cốc có nước men đặc biệt, mô phỏng theo mẫu rồng thời Lý. Miệng mỗi con Rồng đều ngậm viên ngọc lớn. Đây là loại đá quý giá, nặng tới 57kg/viên. Không chỉ vậy, các chi tiết gốm sứ đều được khắc họa tiết hoa văn là những địa danh văn hóa nổi tiếng của Thủ đô vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ.

Đây là công trình tâm huyết của nghệ nhân, họa sỹ Nguyễn Văn Bình và tổ thợ gốm sứ Bát Tràng dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Sau gần 7 năm kể từ ngày được lắp đặt tại Hồ Tây, đôi Rồng đã được tu sửa vào đầu năm 2019. Theo đó, những người thợ sử dụng các mảnh gốm sứ vỡ theo các kích thước khác nhau để ốp vào thân rồng, tu sửa phần móng rồng, phần ốp hai bên bệ đỡ…

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cho biết, những thành công của ông về gốm sứ cũng bắt nguồn từ hai ông rồng ở Hồ Tây. Là người con sinh ra, lớn lên ở Bát Tràng nên ông may mắn được thừa hưởng những tinh hoa của làng nghề, đặc biệt là những bí quyết nghề nghiệp từ cha ông để lại và có lẽ cái gen điêu khắc cũng từ đó mà ra. Trong số đó, tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là “đôi rồng Hồ Tây”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cũng đã từng chia sẻ, điều kỳ lạ là mặc dù hai ông rồng được mang đi triển lãm nhiều nơi, nhưng khi được chọn địa điểm dừng chân cuối cùng là Hồ Tây thì trong quá trình lắp đặt, một ông rồng đã nhả ngọc xuống hồ. Ông Bình coi đó là điềm lành không chỉ với cá nhân người nghệ nhân, mà còn mang đến hy vọng vào những điều lớn hơn khi “rồng đã nhả ngọc nơi đất thiêng”.

Được lắp đặt từ năm 2012 đến nay, đôi rồng sừng sững bên bờ Hồ Tây lộng gió đã trở thành điểm du xuân thú vị của người dân Thủ đô và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ông Hà Đức Minh (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Đôi rồng đã trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh và là điểm tham quan, chụp ảnh quen thuộc không chỉ của người dân mà còn của rất nhiều du khách. Buổi tối, đôi rồng còn được chiếu sáng và đài phun nước từ miệng rồng, từ đó tạo sự sinh động, nổi bật, thu hút nhiều người đến chụp ảnh, đặc biệt là tạo được sự tò mò, thích thú đối với các em nhỏ”.

Còn em Đỗ Bảo Ngọc cũng bày tỏ: “Được đi chơi Hồ Tây, được tham quan, chụp ảnh các cảnh đẹp ở đây, trong đó có đôi rồng phun nước con thấy rất thích thú và ấn tượng. Thông qua biểu tượng hai ông rồng còn giúp con hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của đất nước mình”.

Hiện nay, đôi rồng gốm sứ ở Hồ Tây trở thành điểm tham quan thú vị của người dân Thủ đô và du khách thập phương. Tác phẩm này đạt kỷ lục Guinness Việt Nam, khơi dậy những tinh hoa, văn hóa của con người đất Thăng Long nghìn năm văn hiến và là niềm tự hào của Việt Nam với bạn bè quốc tế khi có dịp ghé thăm Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo đôi rồng gốm sứ tại Hồ Tây