Kinh tế

Những công trình “bệ phóng” cho vùng đất “chín rồng”

Phú Khởi 30/01/2024 - 07:26

Hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, nhiều công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn đã, đang và sắp được đầu tư tại vùng đất này, đây là tiền đề quan trọng để đất “chín rồng” cất cánh.

Từ những công trình làm giàu

Năm 2008, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL lần thứ hai diễn ra tại TP Cần Thơ đã chọn chủ đề “Vì sự phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL”. Hội nghị đã đưa ra nhiều đề xuất với Chính phủ trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cho vùng này.

Tại thời điểm đó, mạng lưới giao thông còn vùng ĐBSCL còn rất yếu, hàng trăm xã chưa có đường ô tô, 30.000 cầu nông thôn còn tạm bợ, cần được xây dựng. Chỉ có 2 tỉnh là Long An, Tiền Giang nằm tiếp giáp TPHCM nên có thể “dùng chung” hạ tầng như: bến cảng, sân bay của TPHCM để phát triển, còn lại 11 tỉnh, thành phố khác thì gần như “thiếu đủ thứ”.

Năm 2009 và 2010, ĐBSCL đón nhận tin vui khi 2 cây cầu Rạch Miễu và Cần Thơ được đưa vào sử dụng. Tiếp sau đó là hàng loạt dự án khác cũng được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng như: mở rộng Quốc lộ 1A; xây cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên trên Quốc lộ 60; cầu Cao Lãnh, Vàm Cống trên Quốc lộ 80; dự án đường hành lang ven biển phía Nam đoạn Rạch Giá - Cà Mau; đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, Quốc lộ Nam sông Hậu; cao tốc TPHCM – Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…

a1(1).jpg
Đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành giúp việc di chuyển từ Cần Thơ – TP.HCM chỉ còn khoảng hơn 2 giờ đi xe.

Nhờ vậy mà hiện nay, mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL đã có nhiều cải thiện. Giao thông đường bộ đã hình thành theo trục dọc, trục ngang; hệ thống đường vành đai liên kết với nhau đã phần nào đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân; giao thông đường thủy, đường hàng hải cũng có nhiều tiến bộ.

Đến những công trình “bệ phóng”

Giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Ngay trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công 2 dự án đường bộ cao tốc với quy mô lớn nhất tại khu vực ĐBSCL là: dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài 109km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 28.000 tỷ đồng và dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, có chiều dài 188km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 45.000 tỷ đồng.

a2(1).jpg
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng cũng đã triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn khác như: đường cao tốc Cao Lãnh-An Hữu; xây dựng cầu Rạch Miễu 2, cầu Châu Đốc tuyến tránh TP Long Xuyên, đường hành lang ven biển phía Đông; cầu Đại Ngãi bắt qua sông Hậu…

Đáng chú ý là vào ngày 24/12/2023, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Tuyến đường này hoàn thành thì việc di chuyển từ TPHCM - Cần Thơ chỉ mất hơn 2 giờ, trong khi trước đây phải mất gấp đôi thời gian này.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km; gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km và 3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591km.

Đến nay, khu vực này đã có khoảng 200km đường cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn 1 với 4 làn xe. Hiện có 8 dự án đường cao tốc đang thi công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng.

Như vậy, dự kiến đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc, các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ngoài nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, các địa phương vùng ĐBSCL cũng đề xuất Chính phủ cho phép mời gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) để đầu tư 2 dự án lớn tại khu vực là: dự án cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), với dự kiến nguồn vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD và dự án đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ USD. Đây được xem là 2 dự án chiến lược, vực dậy tiềm năng phát triển cho vùng ĐBSCL.

Niềm tin đất “chín rồng” cất cánh

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, vùng ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 60% sản lượng trái cây và 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Vùng này đóng góp khoảng 12% GDP, trong đó lĩnh vực nông nghiệp đóng góp đến gần 35% GDP toàn ngành nông nghiệp.

Những con số đó đã cho thấy ĐBSCL là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

a3(1).jpg
Tàu có tải trọng lớn đã vào Cảng Cái Cui thông qua dự án đào kênh tắt Quang Chánh Bố

Mặc dù ĐBSCL đóng góp lớn cho đất nước nhưng GDP bình quân đầu người của vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Điều đó cho thấy, giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, nguyên nhân là chi phí đầu vào sản xuất cao. Đáng chú ý là chi phí logistics của khu vực này được xem là cao nhất, khiến cho lợi nhuận của chuỗi sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đang ở mức rất thấp.

“Một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của khu vực ĐBSCL cao chính là do hạ tầng kinh tế, kỹ thuật nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng rất yếu kém. Đó chính là lý do mà trong nhiệm kỳ này và trong giai đoạn từ nay đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ “dồn sức” bố trí ngân sách đầu cơ sở hạ tầng cho Vùng này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực ĐBSCL là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm. Đây là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương trong vùng.

Bí Thư tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, khi hai tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành, địa phương sẽ có 100km đường cao tốc đi ngang qua, kết nối thông suốt với các tỉnh thành trong vùng và cả nước. Đặc biệt 2 tuyến đường cao tốc này sẽ giúp tỉnh Hậu Giang vực dậy tiềm năng phát triển các huyện vùng sâu như Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, tạo ra hành lang phát triển kinh tế mới cho địa phương.

Những cây cầu lớn nối đôi bờ con sông lớn; những cung đường thênh thang vượt qua cánh đồng bạt ngàn ngày càng được nối dài thêm chính là niềm tin, điều kỳ vọng của những người con đất “chín rồng” về sự phát triển thịnh vượng tại vùng đất mà mình đang sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những công trình “bệ phóng” cho vùng đất “chín rồng”