Văn hóa - Du lịch

Độc đáo “bảo tàng” vô giá ở miền Tây xứ Nghệ

Trần Tú - Hải Yến 16/11/2023 - 17:34

Người sở hữu bộ sưu tập độc đáo này là ông Vi Văn Phúc, trú tại thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông (Nghệ An), đã dày công tìm kiếm, đưa về trưng bày trong “bảo tàng” đặc biệt của gia đình gần 1.000 hiện vật gắn liền với đồng bào dân tộc Thái.

Ngôi nhà sàn của ông Vi Văn Phúc trở thành điểm đến quen thuộc của những đoàn khách muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Thái. Ngôi nhà nhỏ gần như được ông Phúc trưng bày kín các hiện vật từ tầng trệt đến tầng 2, với gần 1.000 cổ vật, vật dụng gắn liền với đồng bào dân tộc Thái.

Ông Phúc cho rằng, theo xu thế của cuộc sống đương đại, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người Thái dần biến mất, nhiều vật dụng từng gắn liền với đời sống dần bị vứt bỏ, thậm chí nhiều người còn không biết nói tiếng Thái. Với mong muốn níu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông bắt đầu hành trình đi sưu tầm để lưu giữ hiện vật, cổ vật của người Thái.

bao_tang_doc_dao_mien_tay_xu_nghe_1.jpg
Luống giã gạo mộc mạc được làm ra từ những khúc gỗ nguyên khối.

“Tôi muốn lưu giữ lại những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái để khi lớp trẻ đến tham quan, tìm hiểu về các vật dụng gắn liền với đồng bào dân tộc Thái sẽ giúp các cháu sống có trách nhiệm với mình hơn. Đồng thời, giúp các cháu có thể biết được phần nào về cuộc sống của cha ông ngày trước” - ông Phúc chia sẻ.

Ngôi nhà trưng bày của ông Phúc rộng khoảng 300m2, có rất nhiều vật dụng được ông cất công sưu tầm, phục chế khiến căn phòng như một “bảo tàng”. Để thực hiện được ý tưởng của mình, từ những năm đầu thập niên 1990, khi gia đình chuyển nhà từ xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) ra thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông ở để thuận tiện cho công việc, ông Phúc đã di dời luôn cả ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái từ quê ra.

Sau khi dựng nhà xong, cứ thấy hoặc nghe nói người Thái nào có vật dụng ưng ý, ông đều đến hỏi mua. Biết ý định tốt đẹp của ông, nhiều người đã không tiếc mà trao tặng cho ông Phúc nhiều vật dụng cũ.

bao_tang_doc_dao_mien_tay_xu_nghe_4.jpg
Những hiện vật được ông Phúc sưu tầm đủ chủng loại. Từ dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ sinh hoạt hằng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay…

“Khó nhất là những vật dụng tâm linh của người Thái. Những đồ này rất khó tìm vì đã mất hết. Nhiều đồ đồng cũng bị người dân bán hết”, ông Phúc chia sẻ thêm.

Có tham quan “bảo tàng” này mới thấy luống giã gạo mộc mạc được làm ra từ những khúc gỗ nguyên khối với kỹ thuật rất công phu. Ông Phúc cho biết, xưa kia, để đỡ nhàm chán trong quá trình giã gạo, người Thái thường khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc khua chày với nhau.

Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới... Đến nay, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của người Thái.

bao_tang_doc_dao_mien_tay_xu_nghe_3.jpg
"Khua luống" trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của người Thái.

“Bảo tàng” của ông Phúc sưu tầm đủ chủng loại, từ dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ sinh hoạt hằng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay…

Cái thì ông treo trên tường, cái đặt trên kệ, những vật dụng dễ bị hư hỏng theo thời gian thì ông trưng bày trong tủ kính. Tất cả được ông sắp xếp khéo léo thành từng nhóm khác nhau để tiện cho du khách tham quan. Những bộ cửa bằng gỗ nguyên khối được điêu khắc hình các con vật liên quan đến đời sống của người Thái.

Một góc nhỏ được ông Phúc bố trí thành không gian bếp của người Thái xưa với đầy đủ các vật dụng cần thiết cho bếp núc. Những chiếc ghế dài làm bằng gỗ được ông Phúc sắp xếp dọc lối đi. Đây là những chiếc ghế trong nhà quan người Thái được làm từ hơn 100 năm trước mà ông mua lại được. Bên trên ghế được chạm khắc khá tỉ mỉ.

Những cuốn văn tự được viết bằng chữ Thái cổ từ hàng trăm năm trước được ông Phúc dày công tìm kiếm, đưa về trưng bày trong “bảo tàng” đặc biệt của mình.

bao_tang_doc_dao_mien_tay_xu_nghe_2.jpg
Những vật dụng hàng ngày cái thì ông treo trên tường, cái đặt trên kệ, cái nào dễ bị hư hỏng theo thời gian thì ông trưng bày trong tủ kính

Ông Phúc cho biết, mục đích chính của ông khi sưu tầm đồ vật xưa cũ là nhằm để giáo dục truyền thống cho con cháu, trước hết là giáo dục trong gia đình, anh em, dòng họ nhằm hướng cho con cháu về cội nguồn, về với lịch sử của dân tộc mình. Sau nữa là xây dựng nền nếp, gia phong, hạnh phúc gia đình, hướng tới tuyên truyền trong cộng đồng dân tộc Thái để góp phần đưa những giá trị văn hóa vào xây dựng đời sống cộng đồng.

Chính vì vậy, bao năm qua, căn nhà sàn của ông Phúc vẫn luôn là nơi để con cháu trong dòng họ, cộng đồng người Thái tìm về sinh hoạt, học chữ Thái, giúp nhau cách thức làm ăn. Mặc dù sống xen kẽ cùng người Kinh tại thị trấn nhưng gia đình ông Phúc vẫn luôn chú trọng bảo tồn ngôn ngữ Thái, bảo tồn những tập tục trong cưới hỏi, lễ làm vía, lễ tết, lễ buộc chỉ cổ tay...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo “bảo tàng” vô giá ở miền Tây xứ Nghệ