“Độc chiêu” rút ruột tại công trình ở huyện miền núi Tân Kỳ

Hiền Mai| 11/10/2018 08:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tuyến đường khi hoàn thành sẽ giúp giao thương đi lại thuận tiện, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kính tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công trình đã có nhiều điểm “bất thường” khiến dư luận băn khoăn, lo lắng?.

Theo quyết định số 54/QĐ-CT, ngày 20/7/2013 của Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Sông Con đã phê duyệt với kết quả ở gói thầu 01 là xây dựng nền, mặt đường và công trình trên tuyến thuộc dự án Nâng cấp đường giao thông vào vùng nguyên liệu sản xuất thâm canh tập trung của công TNHH một thành viên Nông nghiệp Sông Con (xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ - Nghệ An).

Đơn vị trúng thầu là liên danh công ty TNHH Minh Lan - Công ty TNHH Mạnh Trường - Công ty TNHH xây dựng Hùng Tiến (cả ba công ty trên đều có trụ sở tại huyện Tân Kỳ - tỉnh Nghệ An). Giá trúng thầu là 26.457.000.000 đồng, với thời hạn thi công là 18 tháng.

Dự án triển khai xây dựng được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Nghệ An. Đơn vị quản lý dự án là Công ty Rồng Việt (trụ sở tại thành phố Vinh); đơn vị giám sát là công ty Cổ phần tư vấn xây lắp ĐM (trụ sở tại thị xã Thái Hòa).

“Độc chiêu” rút ruột tại công trình ở huyện miền núi Tân Kỳ

Đất dùng để đắp nền lẫn tạp chất liệu có đạt theo yêu cầu?

Theo thiết kế, chiều rộng mặt đường là 3,5m; lề đường 2,20 m. Kết cấu áo đường được tính từ trên xuống với bề mặt đường láng nhựa 3 lớp, dày 3,5 cm; móng trên đá dăm tiêu chuẩn dày 12cm; lớp dưới đá dăm 4.6 dày 15cm; đất đằm chặt K98.

Theo dự toán của công trình, phần thi công nền đường gồm các hạng mục như: đào đất hữu cơ nền đường (hay còn gọi là bóc phong hóa); đào rãnh; đắp đất K95; đắp đất K98... với tổng dự toán cho hạng mục này gần 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có mặt tại công trình xóm Đức Thịnh, khu vực đang thi công, phóng viên thực sự thấy bất ngờ bởi sự lo lắng của người dân đối với đơn vị thi công công trình này là có thật.

Hiện, công ty TNHH Mạnh Trường đang tiến hành thi công phần nền đường tại đoạn xóm Tân Lương đi xóm Đức Thịnh. Theo quan sát, phần đất hữu cơ theo quy định phải bóc đi thì đơn vị thi công lại vô tình “quên” và đổ đất lên để sau đó làm công tác lu lèn. Mặt khác, lớp đất 30 cm có yêu cầu độ K95 phía dưới lại được thay thế bằng lớp đất có màu “khác lạ”, chứa đầy tạp chất bẩn như đá khối, cỏ cây, rễ cây và rác.... 

Một cán bộ kỹ thuật của công ty thi công cho biết, lớp đất này là do tận dụng của một điểm bóc phong hóa ở nơi khác về để sử dụng lại, còn việc nó có đạt theo yêu cầu kỹ thuật không thì không biết?.

“Độc chiêu” rút ruột tại công trình ở huyện miền núi Tân Kỳ

Phần nền đường bị đơn vị thi công “ quên” bóc phong hóa

Lúc phóng viên có mặt tại công trường cũng không có đại diện của giám sát hay chủ đầu tư để kiểm tra chất lượng đất và quá trình thi công. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi công trình thi công không đảm bảo chất lượng?. Toàn bộ công trình cũng không có hệ thống bảng biển cảnh báo an toàn.

Bà N- một công dân xóm Đức Thịnh cho biết: “Khi triển khai công trình làm đường chạy qua trước nhà, chúng tôi vui lắm nên ai cũng đồng ý hiến đất để có con đường to mà đi. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công đổ đất như thế này thì tôi thấy không được. Bản thân tôi nghĩ, đất mà lẫn tạp chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình".

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hải – kế toán trưởng của công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Sông Con cho biết: “Công trình này đã được triển khai từ lâu, nhưng do nguồn vốn khó khăn nên cứ thi công ì ạch. Một số đoạn đã làm xong mặt, một số đoạn đã xong nền đường, còn đợt này đang thi công đoạn xóm Đức Thịnh. Chúng tôi đã thuê đơn vị giám sát và đơn vị quản lý dự án nên họ phải chịu trách nhiệm với chúng tôi. Tôi sẽ kiểm tra lại và giao phải làm đúng như thiết kế và dự toán".

Đi theo tuyến từ xóm Tân Xuân đi Tân Yên của Công ty TNHH Minh Lan thi công, mặc dù mới hoàn thành một thời gian ngắn nhưng mặt đường đã xuất hiện nhiều điểm xuống cấp. Mặt đường có nhiều vũng và bị bong tróc nhựa. Điều đáng nói ở đây là mặc dù tuyến đường này lưu lượng xe đi lại không nhiều nhưng việc xuất hiện nhiều “dấu vết lạ” như bong tróc, ổ gà,… cũng là một câu hỏi lớn về chất lượng?.

Một công trình trị giá hàng chục tỷ đồng, thế nhưng, dường như đang được thi công một cách quá cẩu thả, thiếu trách nhiệm, khiến người dân sống trực tiếp tại xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ hết sức bất bình, lo lắng, không biết tuyến đường nguyện liệu có được như mong chờ của họ hay không?     

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Độc chiêu” rút ruột tại công trình ở huyện miền núi Tân Kỳ