TP.HCM là địa phương có doanh số thương mại điện tử cao nhất cả nước trong năm 2023, đạt gần 11 tỷ USD.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, năm 2023, TP.HCM là địa phương có doanh số mua hàng thương mại điện tử cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD chiếm 29% quy mô cả nước; doanh số bán hàng thương mại điện tử (được tính theo vị trí đặt kho hàng) đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, tăng trưởng 37% so cùng kỳ, sản lượng đạt 440 triệu sản phẩm, tăng gần 45,2% so với cùng kỳ.
Như vậy, tổng doanh thu thương mại điện tử đạt 10,9 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử lên tới 37%, TP.HCM là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước, là địa phương luôn dẫn đầu các xu thế mới về thương mại điện tử.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vừa công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử qua các nền tảng Internet mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020, và 16,4 tỷ USD năm 2022.
Đến năm 2023, con số này đã đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8 - 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tính đến tháng 12/2023, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Cũng theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trong khi đó, số lượng nhà bán hàng trực tuyến lại giảm 18,5%, qua đó cho thấy thị trường thương mại điện tử đang sàng lọc và ngày càng cạnh tranh gay gắt. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm, lựa chọn nhà bán hàng uy tín, nhà bán hàng trực tuyến nào không có chiến lược phù hợp sẽ khó tồn tại trên thị trường.
Theo Sở Công Thương, sự phát triển nhanh chóng của kênh thương mại điện tử cũng đem lại những thách thức trong công tác quản lý nhà nước. Do đó, trong năm 2024, Sở này cố gắng xây dựng bộ dữ liệu của những người bán, doanh nghiệp có doanh số lớn, từ đó có cơ sở để tăng cường kiểm tra liên quan đến thuế và chất lượng của hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.