Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân Việt Nam và hành trình xây dựng thương hiệu quốc gia

Trang Nhi 13/10/2023 05:59

Mỗi doanh nghiệp có một câu chuyện riêng về xây dựng thương hiệu, nhưng đều có điểm chung là đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu và có ý thức trách nhiệm với xã hội.

cover-1-.png

Trước thềm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ doanh nhân trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thương hiệu quốc gia.

Câu chuyện về việc xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp có những sắc thái riêng, nhưng có điểm chung rằng để phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cần đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết và phải có ý thức về trách nhiệm xã hội. Điều này đòi hỏi từ họ sự tư duy, kế hoạch, và chiến lược kinh doanh chặt chẽ. Làm thế nào để "định giá" thương hiệu chính là điểm quan trọng.

tang-cuong-tang-truong-xay-dung-thuong-hieu.png

Việt Nam đã trở thành một điểm sáng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu, theo Brand Finance. Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng Top 100 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finance. Đặc biệt, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có sự tăng hạng đều đặn qua các năm. Trong Bảng đánh giá năm 2022, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 32/100, cho thấy sự tăng cường và tăng trưởng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.

Theo Brand Finance, Việt Nam được coi là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn từ 2019-2022. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng đều qua các năm, thể hiện qua những con số ấn tượng: tăng 29.1% so với năm 2019 năm 2020 (đạt mức 319 tỷ USD), tăng 21.6% so với năm 2020 năm 2021 (đạt mức 388 tỷ USD), và tăng 11.1% so với năm 2021 năm 2022 (đạt mức 431 tỷ USD).

Sự tăng trưởng này không chỉ nằm ở mức độ của thương hiệu quốc gia mà còn lan tỏa đến giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đã tăng 36% từ năm trước, và có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

top-100.jpeg
Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance và Mibrand Việt Nam trao chứng nhận chính thức về giá trị thương hiệu, thứ hạng, chỉ số sức mạnh thương hiệu

Những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu như Vingroup, Viettel, FPT, Vietjet, Thaco, VNPT, BRG, Vinamilk, Thái Bình Shoes (TBS),… đã vươn tầm khu vực và thế giới, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, các địa phương và dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngày một mạnh mẽ hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cũng như thương hiệu quốc gia đã thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương hiệu của nước. Không chỉ các doanh nghiệp mà cả xã hội cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc này và nâng cao nhận thức về vai trò của thương hiệu trong kinh doanh và phát triển.

top-50.png
Top 10 thương hiệu mạnh nhất năm 2022

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nghiêm túc vào xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Kết quả là, trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này thể hiện sự thăng tiến của các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của họ.

Những con số ấn tượng cũng cho thấy giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng đều qua các năm, đồng thời phản ánh rằng sự hỗ trợ và thúc đẩy từ Chính phủ, thông qua các cơ chế và chính sách hỗ trợ phù hợp, đã góp phần lớn vào sự phát triển của thương hiệu quốc gia.

Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng thương hiệu quốc gia không chỉ là nguồn lực của từng doanh nghiệp mà còn của cả quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng và duy trì thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.

cong-nghe-va-doi-moi.png

Sau đại dịch Covid-19, có doanh nhân phải dừng cuộc chơi nhưng có những người vẫn không ngừng đưa công ty chinh phục các đỉnh cao mới. Vậy đâu là sự khác biệt, đâu là bí quyết “vượt bão” của những doanh nhân thời kỳ mới?.

Rất nhiều tọa đàm hiến kế hồi phục sau Covid-19 của doanh nghiệp, doanh nhân đã được tổ chức. Tất cả đều cùng đưa ra chung một định hướng: Đó là “Công nghệ” và “Đổi mới”.

Năm 2022- 2023, Vinamilk tiếp tục được vinh danh trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam. Lý giải cho những thành công của mình thời gian qua, Tổng giám đốc Vinamilk - bà Mai Kiều Liên khẳng định ứng dụng công nghệ vào quản lý là định hướng được Vinamilk thực hiện trong nhiều năm qua và được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2020 để ứng phó với điều kiện giãn cách xã hội, hạn chế giao thương do đại dịch toàn cầu.

mai-kieu-lien.png

Vinamilk được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có sự chủ động trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số từ sớm và một cách toàn diện trong hầu hết các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên chia sẻ: Vinamilk được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có sự chủ động trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số từ sớm và một cách toàn diện trong hầu hết các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng. Hiện quá trình chuyển đổi vẫn được duy trì, thúc đẩy liên tục, chiến lược này đang được Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh và áp dụng toàn diện, hầu hết các quy trình của công ty đã được số hóa. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp thích ứng với các biến động do đại dịch tạo ra và cả trong giai đoạn “hậu Covid-19” hiện nay.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup trong Báo cáo thường niên 2022 đã chia sẻ: "Vingroup đã chính thức bước vào cuộc chơi toàn cầu với quyết tâm chinh phục thế giới. Đạt được mục tiêu này tất nhiên không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, cơ hội mở ra cũng rất lớn khi cuộc cách mạng Công nghệ – Công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng xanh và công cuộc toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi nếu chấp nhận hy sinh, gian khổ, quyết liệt hành động và phát huy được sức mạnh trí tuệ Việt, đồng thời kết nối trí tuệ toàn cầu. Đó sẽ là mấu chốt để Vingroup đi đến thành công”.

Công nghệ cũng là lý do tạo nên kỳ tích cho Hoà Phát. Trong tháng 8/2023, Tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 558.000 tấn thép các loại, riêng mặt hàng Thép xây dựng ghi nhận mức tiêu thụ cao nhất kể từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp này, đạt 306.000 tấn.

thay-chu-1.png
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ: Tự chủ công nghệ sản xuất HRC chính là miếng ghép hoàn hảo tạo nên nền tảng vững vàng cho hệ sinh thái các sản phẩm thép chất lượng cao khác mà Hòa Phát có thể sản xuất như thép cơ khí chế tạo, vỏ container rỗng…

Chuỗi sản xuất của Hòa Phát được nối dài và ngày càng tối ưu, mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, cổ đông và xã hội. Bên cạnh đó, hệ sinh thái sản xuất của Tập đoàn luôn chú trọng tới vấn đề phát triển bền vững, triển khai nhiều giải pháp, đầu tư cho sản xuất xanh. Mỗi năm Hòa Phát tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng thông qua thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện, tái sử dụng góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

hung-cuong-cung-dat-nuoc.png

Suốt chiều dài lịch sử, doanh nhân dù ở tên gọi nào vẫn thường có rất nhiều đóng góp cho đất nước. Sự đóng góp được ghi nhận bằng những con số tăng trưởng ấn tượng, như thước đo cho sự cạnh tranh trên thị trường khốc liệt.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thắp lên ngọn lửa từ chính bản thân, lan toả những hành động thiết thực, tích cực, thực thi trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững, và thúc đẩy phát triển xã hội.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thực hiện chiến dịch “Bạn khoẻ mạnh, Việt Nam khoẻ mạnh” tiếp cận với khoảng 20 triệu người dân, truyền cảm hứng về lối sống khỏe mạnh và lan tỏa năng lượng tích cực để hướng đến một Việt Nam khỏe mạnh. Thông qua chiến dịch đóng góp 10 tỷ đồng để mua vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em (từ 12-18 tuổi); Dành quỹ 1 triệu sản phẩm để chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Tính đến năm 2022, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) đã hỗ trợ gần 500 tỷ đồng, cùng các nhà khoa học xuất sắc kiến tạo nên thành công của 83 dự án Khoa học Công nghệ. Quỹ VinIF có mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thuộc các Trường đại học và các Viện nghiên cứu thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.

vinif-banner.jpeg
Hàng năm, VinIF tổ chức Lễ công bố học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước

Quỹ VinIF sẽ tài trợ cho các dự án và hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo với định hướng đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Sự đồng hành của VinIF cùng các dự án khoa học, công nghệ, văn hoá cho thấy trách nhiệm cộng đồng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt rất mạnh mẽ.

Có thể thấy, thế hệ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới đã và đang nỗ lực chèo lái giúp con tàu vượt qua mọi bão giông. Nhưng trên hết, đó là những trái tim biết đập cùng nhịp đập trái tim của dân tộc.

Thực hiện: Trang Nhi

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân Việt Nam và hành trình xây dựng thương hiệu quốc gia