Việc thực hiện giãn cách xã hội một thời gian dài đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khó khăn. Để tồn tại, duy trì được sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh ưu tiên cao nhất cho phòng chống dịch, nhiều DN đã phải chủ động thích ứng với dịch để có thể “vượt bão” thành công, chờ phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, nhiều DN khó có thể gắng gượng nổi.
Biến “nguy” thành “cơ”
Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh, Chủ tịch Hiệp hội dày gia Bình Dương cho biết, DN ông vừa sản xuất dày cho thị trường trong nước, lẫn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, 3 tháng nay thị trường nội địa gần như đóng cửa, thị trường nước ngoài cũng không khả quan, đặc biệt trước đây, DN chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ, thì nay cũng chững lại rất nhiều. “Cái khó là đang sản xuất mùa này, nhưng phải phát triển sản phẩm cho mùa tới, thì có những vật tư lại bị gãy khúc. Tuy nhiên, do chủ động ngay từ đầu năm, nên đơn hàng của công ty vẫn đều đều và đảm bảo được việc làm cho NLĐ”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, trong đợt dịch này, ông đã chuyển toàn bộ đơn hàng ở nhà máy Bình Dương xuống nhà máy ở Đồng Nai vì nơi đây ít bị ảnh hưởng do nằm trong “vùng xanh an toàn” và DN áp dụng theo biện pháp “1 cung đường, 2 điểm đến”, tất cả CN ở đây đều đi làm bình thường và tuyệt đối thực hiện nghiêm 5k để phòng chống dịch. Do đó, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Vũ cho hay.
Cũng theo ông Vũ, hiện nay một số DN trong Hiệp hội dày gia cũng đang thực hiện khá thành công phương án này, có thể kể đến như Tập đoàn dày gia Thái Bình, họ không những chuyển toàn bộ đơn hàng từ nhà máy ở Bình Dương xuống nhà máy ở Trà Vinh, mà còn đưa CN xuống đây để làm việc, vừa kịp tiến độ đơn hàng, vừa bảo đảm tốt việc làm và thu nhập cho NLĐ.
Tương tự, Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN, nhà máy chính ở KCN VSIP I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, với khoảng 4000 CNLĐ đã phải đóng cửa từ ngày 27-7-2021 cho đến nay, tất cả CN được hưởng mức lương tối thiểu vùng. Đại diện DN, cho biết việc trả lương cho NLĐ vẫn được duy trì nhằm đảm bảo họ có cuộc sống tối thiểu trong mùa dịch và trả tiền nhà trọ. Riêng các đơn hàng tại nhà máy ở Bình Dương đã được chuyển đến các nhà máy ở KCN VSIP II (TX Tân Uyên) và tỉnh Bình Phước. Do đó không bị đứt gãy sản xuất, các đơn hàng vẫn hoàn thành đúng tiến độ như cam kết với khách hàng.
Lo ngại giãn cách kéo dài
Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân May Quốc tế (xã An Điền, TX Bến Cát, Bình Dương), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May tỉnh Bình Dương cho biết, hiện công ty chỉ có khoảng 1/3 trong số hơn 400 CN đang làm việc “3 tại chỗ”, số còn lại mặc dù không đi làm những công ty vẫn hỗ trợ tiền lương. Lo ngại về giãn cách kéo dài, bà Trang cho rằng, với những công ty có số lượng CN ít như công ty của bà thì vẫn cố gắng xoay xở được tiền lương, đóng BHXH, còn những công ty có số lượng lao động lớn, vốn ít thì để duy trì trả lương là rất khó khăn. Trên thực tế, nếu theo quy định nhà nước vẫn cho phép DN không đóng BHXH cho NLĐ, nhưng việc không đóng BHXH thì buộc phải tạm thời ngưng hợp đồng lao động, mà trong thời gian ngưng hợp đồng lao động, thì chắc chắn một số NLĐ đã về quê, một số khác khi trở lại công ty làm việc thì không có sự ràng buộc về hợp đồng lao động, thích thì họ làm, không thích thì họ đi công ty khác, dẫn đến có sự thất thoát rất lớn về lao động và xảy ra tình trạng sau dịch nhiều DN sẽ dành giật lao động và bắt buộc phải tung ra các điều kiện hấp dẫn để thu hút NLĐ.
Ông Trần Thanh Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ- Điện tỉnh Bình Dương, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, tình hình hoạt động và sản xuất, kinh doanh của các DN đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tuy nhiên, các DN trong hiệp hội vẫn cố gắng trả lương cho NLĐ đầy đủ, thấp nhất cũng bằng mức lương tối thiểu vùng.
“Việc đóng cửa kéo dài rất khó cho DN và hiện nay do không nhập được nguyên liệu nên hầu hết các DN trong hiệp hội buộc phải ngừng hoạt động, vì tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc sản xuất của các DN trong ngành cơ- điện tại Bình Dương đều lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ TP. Hồ Chí Minh, nếu Bình Dương mở cửa thì phải mở cả TP. HCM và các tỉnh phía Nam thì DN mới hoạt động trở lại được”, ông Trọng nói.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Bình Dương, cho rằng chưa thể nói gì cụ thể và cũng không thể xác định sau dịch là đến bao giờ. Hiện tại những nhà máy đang còn có thể giữ một phần NLĐ trước đây của mình để làm việc “3 tại chỗ” vẫn đang cố gắng hết sức duy trì việc làm và tạo điều kiện tối đa để họ có thể an tâm tiếp tục làm việc, dù điều kiện ăn ở “3 tại chỗ” ở nhà máy không thật sự thoải mái. Theo ông Tín, chỉ khi nào Bình Dương cũng như các tỉnh phía Nam hết phải giãn cách, NLĐ có thể đi lại dễ dàng hơn, lưu thông hàng hoá thuận tiện hơn và chi phí của DN trở lại mức bình thường, có thể cạnh tranh được với các nơi khác, thì việc phục hồi sản xuất, đi kèm theo đó là phục hồi thị trường lao động, mới có thể diễn ra.