Chính trị

Đoàn Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với TAND TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Quang 05/07/2023 - 19:41

Chiều 5/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với TAND TP.HCM về việc chấp hành Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, Ban Pháp chế HĐND; lãnh đạo các cơ quan khối nội chính; Ban lãnh đạo TAND TP.HCM, các Tòa, phòng và các TAND quận, huyện, thành phố.

hoang-van-lien(1).jpg
Ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Phong- Chánh án TAND TP.HCM đã báo cáo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 của TAND TP.HCM.

Theo đó, từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/9/2022, TAND hai cấp TP.HCM đã thụ lý 231.719 vụ việc, giải quyết 218.105 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,12%; đã giải quyết 2.326/3.142 án hành chính (tỷ lệ 74%); số vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ đã giải quyết 66/93 vụ việc; số việc phá sản đã thụ lý, giải quyết 53/66 vụ việc; khởi tố 01 vụ án hình sự tại phiên tòa; tổ chức thành công 339 phiên tòa xét xử trực tuyến.

Về số lượng biên chế, tính đến tháng 9/2022, TAND hai cấp TP.HCM được giao 1.340 biên chế, số biên chế thực hiện là 1.183 biên chế (703 Thẩm phán, 01 Thẩm tra viên chính, 27 Thẩm tra viên, 379 Thư ký viên và 73 biên chế khác); còn thiếu 157 biên chế, gồm 58 biên chế Thẩm phán và 99 công chức khác.

Tuy nhiên, tháng 3/2023 TANDTC phân bổ lại biên chế cho giai đoạn 2023-2026 là 1.201 người, giảm 139 người.

Với số lượng vụ, việc phải giải quyết hàng năm đều tăng, nhưng biên chế không tăng, nên chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của đơn vị.

Hiện nay, biên chế các ngạch còn thiếu rất nhiều, nhất là ngạch Thư ký, trung bình mỗi Thư ký phải giúp việc 2 đến 3 Thẩm phán, áp lực công việc là rất lớn, từ 01/2017 đến 9/2022 đã có 92 công chức nghỉ việc.

Mặc khác, chế độ chính sách, tiền lương đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án còn thấp, chưa tương xứng với tính chất công việc, trách nhiệm của Thẩm phán và các chức danh tư pháp, công chức khác trong Tòa án.

Cho ý kiến một số định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND, TAND TP.HCM cơ bản thống nhất với dự thảo Luật. Đồng thời, đơn vị cũng kiến nghị, xem xét bổ sung một số nội dung như: Giao chức năng xét xử giám đốc thẩm các bản án của TAND cấp huyện cho TAND cấp tỉnh.

Bảo vệ Thẩm phán và TAND cấp huyện (có thể thành lập lực lượng bảo vệ Tòa án riêng từ lực lượng hỗ trợ tư pháp).

Có cơ chế kiểm tra, sát hạch Thẩm phán thường niên để nâng cao trách nhiệm và chất lượng Thẩm phán. Thành lập Tòa chuyên trách về đất đai.

doan-khao-sat(1).jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát và các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi về các nội dung như: thực hiện quyền tư pháp của Tòa án; biên chế; chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ; Tòa sơ thẩm chuyên biệt; chế độ chính sách của Thẩm phán; công tác quản lý và kinh phí hoạt động của Hội thẩm nhân dân…

Kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc. TAND hai cấp TP.HCM đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đơn vị đã giải quyết lượng án rất lớn, chiếm 1/5 lượng án của cả nước, trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp, án trọng điểm. Tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án cao, vượt chỉ tiêu đề ra theo yêu cầu của Quốc hội.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, các ý kiến đề xuất, kiến nghị tại buổi khảo sát mà TAND hai cấp TP.HCM và các đại biểu nêu ra, Đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo trước Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với TAND TP. Hồ Chí Minh