Đình chỉ các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC, truy cứu hình sự đơn vị vi phạm nghiêm trọng

Ngọc Mai| 18/06/2016 16:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg về phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới diễn ra tại Hà Nội.

Hôm nay (18/6), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong hơn 5 năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có chuyển biến tích cực, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả 6.416 vụ; cứu nạn, cứu hộ 2.466 vụ, cứu được 1.625 người, bảo vệ được khối tài sản, hàng hóa trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng chục nghìn người trong các đám cháy. Đồng thời, việc tổ chức bộ máy lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ngày càng được kiện toàn, bố trí hợp lý. Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được nâng cấp trực thuộc Bộ Công an; trong hơn 5 năm qua, đã thành lập 20 Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy địa phương, 85 đội chữa cháy và 37 đội Cảnh sát Cứu hộ, cứu nạn (tăng 3,86 lần so với giai đoạn 2006 - 2010).

Cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngày càng hoàn thiện, cắt giảm trung bình 20% thời gian thực hiện thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, góp phần quan trọng thực hiện cải cách hành chính. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy được tập trung chỉ đạo, 5 năm qua đã phát hiện và xử phạt hành chính trên 70.000 trường hợp vi phạm với số tiền gần 135 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác, chiến đấu đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư; tiềm lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tăng cường đáng kể. Tỷ trọng ngân sách địa phương đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tăng từ 27,1% (giai đoạn 2010 - 2012) lên 41,7% (giai đoạn 2013 - 2015).

Năm 2015, số vụ cứu nạn, cứu hộ do Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đảm nhiệm tăng gấp 4,2 lần và số người cứu được tăng 4,8 lần so với năm 2012. Nhiều vụ cháy lớn, tai nạn, sự cố nghiêm trọng được ngăn chặn, tổ chức cứu nạn, cứu hộ kịp thời, giảm thiểu thiệt hại, điển hình như: Vụ cháy chung cư CT4 khu đô thị Xa La; vụ lật xe khách có 49 hành khách tại Lào Cai; vụ sập giàn giáo tại khu kinh tế Formosa tỉnh Hà Tĩnh; cứu cháu bé bị tụt xuống giếng khoan ở độ sâu 12m tại Bình Dương...

Đình chỉ các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC, truy cứu hình sự đơn vị vi phạm nghiêm trọng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cơ bản tán thành với báo cáo đánh giá của Bộ Công an và đề nghị phân loại xử lý kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Phó Thủ tướng nêu rõ công tác PCCC đã đạt kết quả quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Lực lượng PCCC đã tích cực tham mưu, đề xuất với các cấp và chỉ đạo làm tốt công tác này, đồng thời, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ từng bước hoàn thiện pháp luật về PCCC. Công tác PCCC đến nay đã đi vào nề nếp, các vụ cháy, sự cố, tai nạn đã được xử lý kịp thời, có hiệu quả. Việc tuyên truyền toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn cứu hộ được tăng cường. Lực lượng PCCC từng bước được kiện toàn theo hướng chính quy, hiện đại và tinh nhuệ... Qua đó, đã kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục trong tình hình mới.

Đó là, tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp. Trong 5  năm qua cả nước xảy ra gần 12.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 300 người, bị thương 900 người, thiệt hại về tài sản 6.900 tỷ đồng và gần 8.500 ha rừng. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ cháy ở nhiều khu chung cư, khu công nghiệp, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người.

Nguyên nhân chính là do các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC. Công tác quản lý Nhà nước về PCCC ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Lực lượng PCCC còn thiếu và yếu, đầu tư trang thiết bị, phương tiện và cơ sở hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn còn nhiều bất cập.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình Chủ tịch UBND 21 tỉnh chưa xây dựng và phê duyệt quy hoạch về PCCC trên địa bàn.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành và địa phương cả nước cần thực hiện tốt việc chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của PCCC, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, phục vụ sự phát triển KTXH của địa phương, bảo đảm an ninh an toàn, thực hiện tốt 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật PCCC và các văn bản thi hành. Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng của mình tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác này; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với công tác PCCC, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cơ sở vi phạm hoạt động nếu không bảo đảm an toàn PCCC, vi phạm nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, ngay trong năm 2016, các tỉnh tổ chức thanh tra, xử lý dứt điểm các vi phạm này.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện đề án quy hoạch tổng thể về PCCC và cứu nạn cứu hộ ở địa phương, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH trong từng thời kỳ. Các địa phương chưa xây dựng và ban hành đề án quy hoạch cần thực hiện ngay trong năm 2016. Các bộ, ngành, địa phương hằng năm cân đối ngân sách để bố trí kinh phí đầu tư cho công tác này. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng này.

Để thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong công tác PCCC, Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực trong PCCC; xác định rõ nội dung xã hội hóa và tổ chức triển khai, có chính sách huy động nguồn lực xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao KHCN, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hằng năm tổ chức kiểm tra giám sát về PCCC tại một số ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình chỉ các cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC, truy cứu hình sự đơn vị vi phạm nghiêm trọng