Nguồn kinh phí Nhà nước cấp hỗ trợ cho cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (hay còn gọi là cấp bù thủy lợi phí) được thực hiện từ năm 2013 đến nay, qua 10 năm vẫn không có sự điều chỉnh. Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khiến cho hoạt động của tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đơn vị đang phải “gồng mình” để phục vụ sản xuất cho bà con nông dân
Là thợ máy của 3 trạm bơm công suất 12.000m2/h thuộc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Hậu, ông Lưu Viết Tý thường xuyên túc trực để đảm bảo máy hoạt động tốt phục vụ nước tưới cho bà con. Tuy vụ đông công việc nhàn hơn, nhưng ngày nào ông cũng có mặt ở trạm bơm vì máy bơm sử dụng đã lâu nên rệu rạo, hư hỏng thường xuyên, nhà trạm thì dột nát, chưa có điều kiện xây mới. Với mức phụ cấp chỉ mấy trăm nghìn đồng mỗi tháng, nhưng ông Tý vẫn luôn phải bận bịu với hệ thống máy bơm.
Ông Tý chia sẻ: “Vào mùa tưới phải túc trực cả đêm để đưa nước về cho bà con. Tuy nhiên, máy thường xuyên hỏng nên nhiều khi nước về đồng bị gián đoạn, bà con phản ánh rất nóng ruột. Nguyên nhân cũng chỉ do máy cũ quá mà hàng năm chỉ được sửa chữa nhỏ, không có điều kiện để tu sửa. Cứ đà này thì tôi cũng sẽ càng khó làm việc hơn, vì làm sao mà đủ sức vừa vận hành máy, vừa phải sửa chữa suốt được”.
HTX nông nghiệp Phú Hậu, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 100 ha. Tất cả diện tích đều phụ thuộc vào hệ thống trạm bơm tạo nguồn, nên chi phí cho tiền điện rất lớn. Với nguồn cấp bù thủy lợi phí cho năm 2023 là 220 triệu đồng, nhưng đến cuối tháng 9, HTX đã phải chi trả tiền điện lên đến 204 triệu đồng, chưa kể tiền công nhân viên vận hành, sửa chữa máy, nạo vét kênh mương.
Theo tính toán của Hội đồng quản trị HTX, mỗi năm HTX đang phải bù lỗ từ 50-60 triệu đồng vào nguồn cấp bù thủy lợi phí mới có thể phục vụ sản xuất cho bà con nông dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Nhân – Giám đốc HTX Phú Hậu, xã Diễn Tân, cho biết: “Những năm qua, do hạn hán, máy móc HTX đã quá lâu, điện thì tăng mà nguồn cấp bù thủy lợi phí của nhà nước không tăng, nên HTX không có điều kiện để làm lại kênh mương, nhà trạm bơm cũng như sửa chữa máy móc. Mặc dù nguồn lực hạn chế, nhưng để bảo đảm phục vụ sản xuất, việc duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh mương được HTX ưu tiên những vùng khó khăn về tưới, tiêu...”.
Nguồn cấp bù “thủy lợi phí” đang được sử dụng theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”
Còn đối với Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu, mấy năm nay việc khai thác công trình thủy lợi phải sử dụng nguồn cấp bù “thủy lợi phí” theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Đơn vị đang quản lý, vận hành 3 hồ đập chứa nước và khoảng 130km kênh mương, mỗi năm phục vụ nước tưới cho 20 ngàn hecta đất nông nghiệp, đồng thời bảo đảm phục vụ tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp và dân cư.
Với nguồn cấp từ 15-17 tỷ đồng/năm, ngoài việc trả lương cho công nhân, Xí nghiệp phải vận dụng các lĩnh vực kinh doanh ngoài công ích để bù vào khoản tiền thiếu hụt cho việc chi tiền điện, quản lý vận hành thủy lợi. Đồng thời, phải lựa chọn những công trình nằm trong diện cấp bách, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tưới, tiêu để thực hiện tu sửa nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Hạnh – Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu, Nghệ An, cho biết: “Với nguồn kinh phí được bố trí, chỉ có khoảng 60% số công trình cần thiết được sửa chữa. Khi xây dựng kế hoạch tu bổ, nạo vét công trình, Xí nghiệp phải kiểm tra, đánh giá sát thực trạng, ưu tiên lựa chọn những công trình cấp thiết cần phải đầu tư nâng cấp. Đây là khó khăn rất lớn trong quá trình vận hành, phục vụ của đơn vị. Vì vậy, việc điều chỉnh giá cấp bù thủy lợi phí cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay được xem là một giải pháp cấp thiết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phục vụ”.
Huyện Diễn Châu hiện có 64 trạm bơm và hơn 500km kênh mương. Chính sách cấp bù Thủy lợi phí đã được Trung ương áp dụng theo khung giá từ năm 2013, đến nay qua 10 năm vẫn không thay đổi. Trong khi chí phí về tiền nhân công, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, nhất là chi phí về tiền điện gia tăng theo từng năm, khiến cho hoạt động của các đơn vị tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi như các HTX, Xí nghiệp thủy lợi gặp khó khăn.
Mỗi năm, Diễn Châu được cấp bù thủy lợi phí với số tiền từ 8-8,5 tỷ đồng và được phân chia dựa theo diện tích sản xuất về các HTX. Tuy nhiên, với số tiền này thì các HTX cũng như địa phương đang phải bù vào hàng tỷ đồng mới có thể vận hành việc tưới tiêu trên đồng ruộng. Không thể vận hành, nhiều HTX đề nghị trả lại nguồn cấp bù thủy lợi phí cho chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu, cho biết: “Hiện nay, nhiều tuyến kênh, mương ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng bồi lắng, bờ kênh yếu thường xuyên xảy ra sự cố trong quá trình vận hành. Một số trạm bơm xây dựng từ lâu, máy móc thiết bị không còn bảo đảm năng lực hoạt động theo công suất thiết kế. Khó chồng khó, nên nhiều đơn vị đang phải “gồng mình” thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, bảo đảm an toàn trong sản xuất nông nghiệp”.
Thời gian qua, Huyện Diễn Châu đã có nhiều văn bản gửi Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Nghệ An đề xuất Trung ương có sự thay đổi về nguồn cấp bù thủy lợi phí, nhưng đến bây giờ vẫn chưa được trả lời.
Với nguồn cấp bù thủy lợi phí như hiện nay, nhiều HTX ở Diễn Châu đã không còn khả năng chi trả cho các chi phí hoạt động. Vì vậy, nếu không có sự điều chỉnh nguồn cấp bù thủy lợi phí thì việc ảnh hưởng đến năng lực phục vụ tưới tiêu là điều dễ xảy ra trong các vụ mùa tới.