Đời sống

Gần 1.000 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hư hỏng cần sửa chữa

Thanh Phương 09/05/2023 16:45

Trước mùa mưa bão việc kiểm tra, rà soát chất lượng, đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình thủy lợi là rất bức thiết. Đối với tỉnh Thanh Hóa, qua kiểm tra công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục trên địa bàn tỉnh là 964 công trình.

Cụ thể, số hồ chứa là 169 công trình; đập dâng là 154 công trình; trạm bơm là 237 công trình; kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu là 603 công trình; cống tưới, tiêu là 38 công trình; công trình khác là 89 công trình.

thuyloith.jpg
Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuống cấp

Đặc biệt, số hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn tỉnh là 100 hồ. Có 82 hồ đã được đánh giá mất an toàn sau mùa mưa lũ năm 2022, 18 hồ phát sinh mới qua đợt kiểm tra trước lũ năm 2023; số hồ có thể tích nước bình thường là 29 hồ, số hồ tích nước hạn chế là 70 hồ và 1 hồ không tích nước.

Trao đổi với PV, Phó chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Nguyễn Thị Anh Nga cho biết: Để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ, Chi cục đang yêu cầu khẩn trương tổ chức khắc phục, sửa chữa và có phương án đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2023. Các công trình đang triển khai thi công, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn và sớm đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất.

a5thuyloith.jpg
Phó chi cục Thủy lợi Thanh Hóa Nguyễn Thị Anh Nga trao đổi với PV

Chủ động gia cố, sửa chữa các hư hỏng, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra; với 30 công trình đã được bố trí nguồn vốn đầu tư nhưng chưa triển khai thi công, cần khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình.

Việc đánh giá an toàn đập hiện còn nhiều bất cập, hầu hết các đập, hồ chứa đều xây dựng từ lâu, bằng thủ công hoặc theo tiêu chuẩn cũ, không phù hợp và đáp ứng quy định hiện hành; các đơn vị quản lý khai thác công trình chủ yếu đánh giá trực quan bằng mắt thường, đập nào có nguy cơ mất an toàn cao mới đưa vào danh mục hồ mất an toàn.

a1thuyloith.jpg
Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các công trình thủy lợi

Ngoài việc mất an toàn, xuống cấp ở các công trình thủy lợi chưa được đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều công trình vi phạm, xây dựng vào vùng lòng hồ hoặc cao trình nước dâng. Các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chưa xử phạt vi phạm hành chính.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 2.559 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện bảo vệ và xử lý vi phạm các công trình thủy lợi.

a3thuyloith.jpg
Công trình xây dựng trong cao trình hồ Cống Khê (xã Mỹ Tân)

Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình, quản lý an toàn đập, hồ chứa, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Kết quả xử lý vi phạm đã có chuyển biến, trong đó số vụ kiến nghị UBND cấp xã, huyện xử lý là 68/80 vụ.

Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng quản lý công trình thủy lợi phát hiện nhiều vi phạm như Kênh Bắc có 10 vi phạm, kênh N8 Sông Chu có 8 vi phạm. Tại hồ chưa nước Cống Khê (xã Mỹ Tân, Ngọc Lặc) có 8 hộ gia đình (Phạm Văn Anh, Dương Hồng Thái, Phạm Văn Hoàng, Phạm Văn Như, Lê Văn Nhất, Phạm Văn Thiểm) xây dựng trong cao trình nước dâng.

a2thuyloith.jpg
Cần sớm đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, hình thức xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chưa xử phạt vi phạm hành chính và hiện mới chỉ có báo cáo vi phạm trên các công trình, hệ thống do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 3 quản lý, không có vi phạm xảy ra ở các công trình, hệ thống thủy lợi do UBND cấp huyện, xã, thành phố quản lý.

Nguyên nhân tồn tại nêu trên là do thiếu sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý còn nhiều hạn chế, nhiều công trình chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm đúng mức.

Để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt là mùa mưa lũ năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các công ty TNHH một thành viên chỉ đạo các công trình khai thác thủy lợi xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ, cắm mốc bảo vệ các công trình trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá về số lượng, hình thức và mức độ ảnh hưởng của các hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi và xử lý các hành vi vi phạm trong bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách. Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác giải tỏa, xử lý triệt để hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Nâng cáo trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành trong việc thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định. Chỉ đạo thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, nước thải sản xuất của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả vào công trình thủy lợi.

Tổ chức tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định của giấy phép theo thẩm quyền. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, xã, thành phố phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi khi có đề nghị của các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, xử lý dứt điểm những đơn vị vi phạm sử dụng đất, xả nước trái quy định trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm về xả nước thải vào công trình thủy lợi; xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm đối với hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi. Công khai tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi …

Ngoài ra những vi phạm còn phổ biến là do công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền, nhận thức của một bộ phận - người dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thủy lợi còn hạn chế. Sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt, chưa xử lý triệt để, dứt - điểm, còn tâm lý nể nang người nhà, họ hàng, làng xóm nên hiệu quả đạt thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 1.000 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hư hỏng cần sửa chữa