TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa có thông báo không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa hai chị em ruột là Võ Thị Thuyên và Võ Ngọc Mười tại số 117 Âu Dương Lân, tổ 4, phường Tây Sơn, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Trước đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận được đơn của bà Võ Thị Thuyên đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 66/2022/DS-PT ngày 30/9/2022 của TAND tỉnh Gia Lai xét xử vụ án "tranh chấp quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông Võ Ngọc Mười và bà Nguyễn Thị Thủy với bị đơn là ông Nguyễn Khắc Hải và bà Võ Thị Thuyên.
Theo thông báo ngày 25/4 TAND cấp cao tại Đà Nẵng, năm 2002, vợ chồng ông Mười nhận chuyển nhượng 410 m2 đất của ông Trần Văn Trụ với giá 8.000.000 đồng, hai bên chỉ viết giấy tay (Giấy sang nhượng), không có công chứng, chứng thực giao dịch; vợ chồng ông Mười đã làm nhà ở ổn định từ đó đến nay.
Bà Thuyên và ông Hải cho rằng Giấy sang nhượng trên ông Mười nhờ ông Trụ viết thời gian sau này để hợp thức việc tranh chấp đất, nên đã yêu cầu giám định tuổi mực.
Tại Bản kết luận giám định ngày 21/10/2020 của Trung tâm tư vấn giám định dân sự kết luận: Mực viết trên Giấy sang nhượng năm 2002 được viết vào khoảng thời gian Quý 1, 2 năm 2002 (sai số cộng trừ 3 tháng). Mực được viết trên mẫu Giấy sang nhượng hoa màu năm 2003 được viết trong khoảng tháng 3/2003 (sai số cộng trừ 3 tháng).
Quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự đều thừa nhận khi bà Thuyên nhận chuyển nhượng đất từ ông Trụ, hai bên không ghi rõ diện tích chuyển nhượng bao nhiêu, chỉ nhận theo giấy bán mà ông Trụ mua của một gia đình khác trước đó là 1.184,5m, chứ không tiến hành đo đạc, xem tứ cận cụ thể; việc mua bán hai bên cũng viết giấy tay, không công chứng, chứng thực giao dịch.
Cũng theo TAND cấp cao tại Đà Nẵng, sau khi mua đất của ông Trụ, bà Thuyên có chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Đoàn Nguyên Anh một phần diện tích đất nên bà nhờ ông Trụ ký lại hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất với ông Anh đứng tên, sau đó phần ông Đoàn Nguyên Anh đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) với diện tích 412,5 m2, diện tích còn lại 774,5 m2, năm 2005 UBND thành phố Pleiku thu hồi 139,5 m2 đất để mở đường, diện tích còn lại hiện nay là 635 m2.
Văn bản của TAND cấp cao tại Đà Nẵng còn cho biết: Tại Công văn số 420/CNVPĐKĐĐ-KTĐC ngày 25/11/2021 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Pleiku có nội dung: Qua kiểm tra hồ sơ gốc của ông Đoàn Nguyên Anh thì nguồn gốc sử dụng đất do ông Anh nhận chuyển nhượng của ông Trần Văn Trụ năm 2003 bằng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được UBND phường Tây Sơn chứng thực.
Do đó, đối với hai hộ còn lại là ông Nguyễn Khắc Hải, bà Võ Thị Thuyên và ông Võ Ngọc Mười, bà Nguyễn Thị Thủy trong trường hợp này Nhà nước chưa đo đạc lại bản đồ, khi người sử dụng đất thực hiện đăng ký cấp GCN thì Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ đo đạc, chỉnh lý và thể hiện trên hệ thống bản đồ (B1 398).
Bà Thuyên nhận chuyển nhượng 1.184,5 m2 đất, đã bị Nhà nước giải tỏa đền bù 139,5 m2 đất, thì diện tích còn lại phải nhỏ hơn diện tích nhận chuyển nhượng mới chính xác nhưng theo kết quả xem xét thẩm định thì diện tích đất hiện tại lại là 1.291 m2 đất, so với diện tích ban đầu thừa 246 m2, bà Thuyên cho rằng do lấn đất của nghĩa địa nhưng không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh.
Ông Trụ thừa nhận có viết giấy chuyển nhượng diện tích 1.184,5 m2 đất cho bà Thuyên là do trước đây ông Trụ nhận chuyển nhượng từ chủ cũ nên ghi lại như vậy; phần đất chuyển nhượng cho ông Mười, không liên quan gì đến diện tích đất chuyển nhượng cho bà Thuyên, việc chuyển nhượng giữa chủ cũ với ông Trụ và giữa ông Trụ với ông Mười, giữa ông Trụ với bà Thuyên cũng không đo đạc nên không thể xác định được diện tích đất cụ thể, nên không có căn cứ cho rằng diện tích đất bà Thuyên nhận chuyển nhượng đúng với số liệu ông Trụ nhận chuyển nhượng từ chủ cũ.
“Mặt khác, khi ông Đoàn Nguyên Anh tiến hành làm thủ tục để cấp GCN thì ông Anh có yêu cầu ông Mười ký xác nhận hộ lân cận, giáp ranh với ông Anh được UBND phường Tây Sơn xác nhận (B1 180); điều này chứng tỏ ông Mười có nhận chuyển nhượng của ông Trụ 410 m2 đất là có căn cứ, bà Thuyên cho rằng vợ chồng ông Mười mượn đất của bà để làm nhà ở là không có căn cứ”- văn bản của TAND cấp cao tại Đà Nẵng lập luận.
Từ nhận định như trên, TAND cấp cao tại Đà Nẵng kết luận: Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mười và bà Thủy là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai.
Đáng chú ý, trước đó, vào ngày 21/4/2023, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng cũng có thông báo không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo đề nghị của bà Võ Thị Thuyên đối với bản án Phúc thẩm số 66/2022/DS-PT ngày 30/9/2022 của TAND tỉnh Gia Lai.
Liên quan tới vụ việc này, trong quá trình giải quyết, bà Võ Thị Thuyên còn nhiều lần có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai, tố cáo ông Trần Văn Trụ, ông Võ Ngọc Mười và ông Đỗ Quang Sơn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ xác định hành vi của các ông: Đỗ Quang Sơn, Trần Văn Trụ và ông Võ Ngọc Mười không có dấu hiệu của tội phạm. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự số: 15/QĐ-CSĐT-Đ3 ngày 3/4/ 2023 đối với tố giác về tội phạm trên.