“Di sản với học đường” – Hướng đi mới để các bạn trẻ tiếp cận với lịch sử Việt Nam

Minh Khang| 24/11/2020 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự kiện "Di sản với học đường" diễn ra với mong muốn mở ra cơ hội giúp các thầy cô và học sinh chủ động tiếp nhận những giá trị di sản; có cơ hội bày tỏ quan điểm tiếp cận lịch sử Việt Nam.

Sáng 23/11, tại trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) đã diễn ra sự kiện "Di sản với học đường" với sự tham gia với hơn 1.900 học sinh cùng hơn 100 khách mời là các đại biểu, nhà giáo,... tham dự. Trong đó có thể kể đến như: Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục VLTLNN; Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, nhà sử học; Ông Nguyễn Hữu Hóa - Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt); Bà Phạm Thị Huệ - Nguyên giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV,...

1(2).jpg
2.jpg
Khách mời tham dự chương trình

Tại sự kiện, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước giới thiệu một số hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của các Trung tâm Lưu trữ quốc gia trong đó có Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đơn vị đang bảo quản khối Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình "Ký ức thế giới". Bên cạnh đó, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước còn giới thiệu tên miền mocban.vn ra mắt, giúp cho độc giả dễ dàng kết nối trực tuyến với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và cập nhật các tư liệu từ Trung tâm. Thông qua website mocban.vn, người quan tâm lịch sử có thể cập nhật lịch tham quan các triển lãm được kể bằng tài liệu chân thật của Trung tâm khi tổ chức luân phiên ở mỗi địa phương ở các thời điểm khác nhau trong cả nước. Mặt khác, mọi người còn có thể tham gia các triển lãm trực tiếp, người quan tâm, muốn nghiên cứu lịch sử dù ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam hay quốc tế cũng sẽ được thỏa mãn bằng phương thức công nghệ Trưng bày ảo 360, để không giới hạn hiểu thêm các dấu ấn lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ và kết nối với các Trung tâm Lưu trữ để xem nghe, trao đổi, đăng ký mượn tham khảo hoặc phối hợp bảo tồn, phục dựng những tư liệu lịch sử Việt Nam.

1(1).jpg
Sự kiện lần đầu tiên tổ chức với mong muốn các em học sinh sẽ có một cách học lịch sử hoàn toàn mới, đầy thú vị và làn tỏa rộng rãi đến mọi người.

Được biết, mộc bản là những tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới, khắc ngược chữ Hán, Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở nước ta và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31 tháng 7 năm 2009. Khối di sản này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ. Và để tôn vinh Di sản Tư liệu thế giới theo hình thức “Đưa Di sản vào trường học” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt sẽ tổ chức trưng bày lưu động triển lãm lịch sử này tại một số trường Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong năm 2020.

3.jpg
Các em học sinh biểu diễn văn nghệ trước khi chương trình bắt đầu

Tại sự kiện này, Trung tâm trao tặng 100 USB chứa 30 clip phim tài liệu về lịch sử Việt Nam qua tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn (có lời dẫn giải của nhà sử học Lê Văn Lan), để góp phần làm phong phú thêm những học liệu cho các thầy cô và các em học sinh yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam.

10.jpg
Trung tâm trao tặng 100 USB chứa 30 clip phim tài liệu về lịch sử Việt Nam qua tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn

Điểm nhấn của sự kiện là hoạt động giao lưu đặc biệt bám sát ý nghĩa Phát huy tài liệu lưu trữ gắn liền với các hoạt động lịch sử, văn hóa, nghệ thuật giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và nhiều khách mời đặc biệt kết nối cùng tham gia như: Nhà sử học Dương Trung Quốc; NSND - Đạo diễn Đào Bá Sơn (phim "Long Thành Cầm Giả Ca"); Biên kịch KIM và đạo diễn Lý Minh Thắng (phim “Quỳnh Hoa Nhất Dạ”); Nhà sản xuất Janet Ngo (phim “Trưng Vương”); Biên kịch Phạm Đăng Tùng (Dự án Việt Sử Kiêu Hùng); Đạo diễn Nguyệt Quế (điều hành mảng ứng dụng công nghệ của tập đoàn Truyền thông Thanh Niên).

a.jpg
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu
hung.jpg
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia VI chia sẻ tại sự kiện

Tại sự kiện, Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cụ Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về mộc bản và lợi ích của việc lưu trữ mộc bản như một tư liệu quý giá mà Việt Nam là một trong những quốc gia được vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu.

Trong khi đó, Biên kịch KIM (phim "Quỳnh Hoa Nhất Dạ") đã chia sẻ góc nhìn mới khi khai thác câu chuyện lịch sử từ những tài liệu xưa. Bên cạnh đó, chia sẻ về cách chọn góc độ chuyển thể, gắn với tâm tư tình cảm, giá trị nhân văn của những con người được khắc họa trong các hoàn cảnh lịch sử. Những chia sẻ này sẽ gợi mở thêm cho giới trẻ, tìm thấy sự gần gũi khi tiếp cận lịch sử trong thời kỳ hiện đại.
NSNS - Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ kỷ niệm khi thực hiện phim có yếu tố lịch sử, cụ thể là bộ phim "Long Thành Cầm Giả Ca" tại Đà Lạt. Theo đạo diễn Đào Bá Sơn, ông đã tìm hiểu rất kỹ và chuẩn bị rất kỹ những cảnh quay để phù hợp với yếu tố lịch sử. Một trong những cảnh quay trong phim được thực hiện tại Đà Lạt mà khi bộ phim hoàn thành rất nhiều đã trầm trồ khen ngợi.

Đạo diễn Lý Minh Thắng (phim "Quỳnh Hoa Nhất Dạ") chia sẻ về quyết định thực hiện dòng phim lịch sử. Nam đạo diễn khẳng định, khi khán giả xem phim "Quỳnh Hoa Nhất Dạ" sẽ rất yêu thích và cảm phục nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga.

Nhà sản xuất Janet Ngo (phim “Trưng Vương”) đã bày tỏ niềm đam mê và mong muốn mang văn hóa lịch sử Việt Nam ra thế giới khi luôn hướng về nguồn cội. Qua đó, cho thấy sự hội nhập quốc tế của Công dân toàn cầu, càng cần sự liên kết gắn với các giá trị dân tộc để phát huy tạo sức bật cho văn hóa đi liền với phát triển kinh tế Việt Nam.

Đạo diễn Nguyệt Quế - điều hành mảng ứng dụng công nghệ của tập đoàn Truyền thông Thanh Niên chia sẻ về việc sử dụng công nghệ VR và AR để giới thiệu những tài liệu lịch sử thêm trực quan, sinh động, phát triển nội dung nghe nhìn có tính tương tác từ xa kết nối với giới trẻ giúp bảo tồn và phát huy tài liệu lịch sử lâu dài.

Ông Võ Nam Du (Dự án Việt Sử Kiêu Hùng) nói về tính thực tiễn khi người trẻ thông qua niềm tự hào lịch sử chuyển thành câu chuyện định hướng nghề nghiệp cho bản thân, từ đócó động lực và có quyết tâm theo đuổi khi mở rộng ra sự kết nối gắn với cộng đồng người yêu sử.

Sự kiện như dịp hội ngộ, tìm thấy sự giao thoa giữa nhiều thế hệ, vai trò nghề nghiệp khác nhau, nhưng đích đến mang lịch sử Việt Nam bước ra ngoài trang sách đã tạo nên sự gắn kết thông qua thảo luận và mở ra những phương thức mới mang di sản từ những tư liệu lịch sử Việt Nam đến gần hơn với công chúng và thế hệ sau.

Chương trình cũng được "hâm nóng" bằng những câu hỏi thể hiện những gu thần tượng lịch sử và những kiến thức lịch sử đặc trưng nội bật của các học sinh. Từ đó, khuyến khích các giới trẻ tự tìm kiếm những động lực cho riêng mình trong việc nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa Việt Nam trước những thách thức khi hội nhập văn hóa.

Bên cạnh đó, sự kiện còn kết hợp với những đơn vị sáng tác thiết kế mỹ thuật và sản xuất phim lịch sử tham dự trong khuôn viên trường THPT Bùi Thị Xuân - ngôi trường Trung học lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Ban tổ chức còn chuẩn bị những không gian trưng bày mô hình, hình ảnh nhân vật trong triển lãm công nghệ và trong những bộ phim lịch sử sắp ra mắt, tạo nên những góc tương tác gần gũi và có sức lan tỏa tới học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Di sản với học đường” – Hướng đi mới để các bạn trẻ tiếp cận với lịch sử Việt Nam