Tối 5/10, Bộ GDĐT đã thông tin về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Đáng chú ý, Bộ khuyến cáo, trường cạnh tranh cao chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc, sơ tuyển.
Vậy các trường lớn sẽ dự kiến phương án tuyển sinh cho mình ra sao? Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn nhanh PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội.
PV: Ông nhận định như thế nào về thông tin phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa được Bộ GDĐT ban hành? Phương án này có phù hợp với tình hình hiện tại hay không?
PGS.TS Trần Trung Kiên: Theo quan điểm cá nhân tôi, đây là phương án phù hợp trong giai đoạn này. Không có sự xáo trộn nhiều trong cách thức tổ chức.
Việc Bộ GDĐT vẫn nắm phần xây dựng đề thi sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa các vùng miền, các đợt thi, và vì vậy nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ xét tuyển đại học được.
PV: Trong thông báo mới, Bộ khuyến cáo trường cạnh tranh cao (trường top đầu) chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc, sơ tuyển. Dư luận lo ngại nhiều cách tuyển sinh khiến học sinh phải ôn thi theo cách riêng của từng trường. Quan điểm của ông như thế nào về chủ trương này?
PGS.TS Trần Trung Kiên: Đây cũng là những gợi ý của Bộ GDĐT đối với các trường đại học. Tuy nhiên việc áp dụng như thế nào sẽ tùy vào từng trường. Có nhiều cách để sàng lọc, sơ tuyển, đảm bảo nếu các trường tổ chức thi riêng thì số lượng thí sinh tham gia không quá lớn, tránh gây áp lực lên các trường và xã hội.
Tuy nhiên trong giai đoạn này các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng tổng quát lại tôi thấy có những phương thức chính (với tỷ lệ chỉ tiêu cao) như sau:
- Xét tuyển theo học bạ THPT, hồ sơ năng lực
- Xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, xét tuyển thẳng
- Xét tuyển theo điểm thi (thi TN THPT, thi ĐGNL, tư duy …)
Nếu các trường hoặc nhóm trường có tổ chức thi riêng, theo tôi học sinh không nhất thiết phải học hoặc luyện thi theo cách thi của từng trường.
Đề thi hiện nay được thiết kế theo cách tiếp cận khác với giai đoạn trước, vì vậy học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, tự tìm tòi đào sâu kiến thức là có thể tham gia thi ở bất kỳ cuộc thi nào.
Thí sinh không nên chọn quá nhiều ngành/CTĐT khác nhau, vì vậy công tác hướng nghiệp sẽ rất quan trọng.
PV: Nhà trường có phương án tuyển sinh như thế nào trong năm 2022?
PGS.TS Trần Trung Kiên: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2020, 2021. Tuy nhiên việc điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu, các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc sử dụng chứng chỉ quốc tế như thế nào cho hợp lý sẽ được Nhà trường cân nhắc.
Sẽ là rất khó, nhưng nhà trường sẽ nghiên cứu để điều chỉnh sao cho đạt được mức độ cân bằng tương đối giữa các phương thức tuyển sinh.
Chắc chắn nhà trường sẽ tiếp tục phát triển Kỳ thi đánh giá tư duy làm một phương thức tuyển sinh chủ đạo, áp dụng cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói riêng và một số trường đại học khác trong nhóm trường kỹ thuật – công nghệ.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!