Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), trong đó đề xuất nâng mức dư nợ vay cho chính quyền địa phương.
Cần thiết sửa đổi Luật
Qua hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc có tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định trong Luật chưa đáp ứng, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Cụ thể, phân cấp thu ngân sách không còn phù hợp với xu hướng, diễn biến các khoản thu ngân sách, làm giảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTW), trong khi chưa thực sự khuyến khích tính tự chủ của các địa phương.
Quy định về phân cấp một số khoản thu giữa NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) chưa phù hợp với yêu cầu thực tế cần phải củng cố vai trò chủ đạo của NSTW và cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách thu cho địa phương còn hạn chế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ được ban hành mức thu đối với một số khoản phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí.
Việc quản lý nguồn lực của Nhà nước chưa tập trung. Một số nguồn thu của Nhà nước hiện nay chưa được phản ánh vào NSNN mà thực hiện thông qua các Quỹ tài chính ngoài ngân sách. Việc quản lý các khoản viện trợ nước ngoài còn phân tán cho nhiều Bộ, cơ quan chủ quản.
Phân cấp chi ngân sách còn bất cập, một số nhiệm vụ chi theo phân cấp giữa NSTW và NSĐP chưa linh hoạt, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân ở địa phương dẫn đến quy trình tổng hợp, thẩm định và thông qua mất nhiều thủ tục, thời gian (vì phải chờ đề cấp thẩm quyền thông qua tại kỳ họp), dẫn đến chậm phát huy hiệu quả nguồn lực của NSNN.
Bỏ quy định với khoản thu phí do cơ quan nhà nước thu
Điều 5 dự thảo Luật NSNN về phạm vi thu NSNN đề xuất bỏ quy định đối với khoản thu phí do cơ quan nhà nước thu, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ, theo đó toàn bộ khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện nộp vào NSNN, đồng thời bố trí từ dự toán chi NSNN để đảm bảo chi hoạt động cung cấp dịch vụ, kể cả chi phí thu.
Nguyên nhân đề xuất là do khó tách bạch các khoản chi cho hoạt động thu phí và các hoạt động thông thường của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, để phản ánh đầy đủ các khoản thu, chi của NSNN, minh bạch các nội dung chi thông qua việc lập dự toán và bố trí dự toán chi NSNN; tương tự như các khoản chi phí liên quan tới hoạt động thu lệ phí, kiến nghị nộp 100% các khoản thu phí của cơ quan quản lý nhà nước vào NSNN và bố trí chi từ NSNN cho các hoạt động thu phí.
Nâng mức dư nợ vay của chính quyền địa phương
Điều 7 dự thảo Luật về nguyên tắc cân đối NSNN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương. Luật hiện hành quy định phân theo 03 nhóm địa phương, mỗi nhóm địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương và tỷ lệ thu NSĐP được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên. Sửa đổi, bổ sung thu gọn từ 03 nhóm địa phương xuống còn 02 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay: nhóm các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp; nhóm các địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp.
Thay đổi này nhằm đảm bảo mức dư nợ vay các địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Luật Thủ đô và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù; mặt khác, việc xác định mức dư nợ của địa phương theo tỷ lệ thu NSĐP được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên sẽ thay đổi hằng năm, thậm chí sẽ có sự khác nhau giữa khi xác định theo dự toán ngân sách đầu năm và thực hiện cuối năm, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nguyên tắc quản lý các khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại
Điều 8 dự thảo Luật về nguyên tắc quản lý NSNN đã sửa đổi một số nguyên tắc quản lý chi NSNN, các khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại thực hiện theo quy định của Chính phủ; trường hợp phát sinh nhiệm vụ chi chưa được dự toán hoặc dự toán bố trí chưa đủ thì báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán cho phép thực hiện; ưu tiên bố trí chi NSNN cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyên đổi số; bố trí ngân sách để thực hiện các nghĩa vụ của nhà nước trong các cam kết quốc tế, cam kết với các nhà đầu tư.
Đối với hỗ trợ từ NSNN cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, bổ sung quy định hỗ trợ kinh phí để thực hiện mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời bỏ điều kiện hỗ trợ là phải có khả năng tài chính độc lập, nguồn thu, nhiệm vụ chi không-trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN.
Mở rộng phạm vi về nhiệm vụ chi NSNN được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên) đối với chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án. Lý do sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.