Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép gia hạn sử dụng với đầu máy, toa tàu hết niên hạn sử dụng theo Luật Đường sắt năm 2017.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định thi hành Luật Đường sắt. Trọng tâm sửa đổi trong nghị định này là cho phép gia hạn sử dụng với đầu máy, toa tàu hết niên hạn sử dụng theo Luật Đường sắt năm 2017 (với tàu khách không quá 40 năm, tàu hàng không quá 45 năm).
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông tin, hiện đơn vị có 58 đầu máy và 163 toa tàu khách trên 40 năm tuổi, cùng 1.491 toa tàu hàng trên 45 năm tuổi.
Theo quy định hiện nay, hơn 1.700 đầu máy và toa tàu này sẽ phải loại bỏ do quá niên hạn sử dụng. Tới năm 2025, số phương tiện hết niên hạn sẽ tăng thêm khoảng 114 đầu máy, 168 toa tàu khách, 1.472 toa tàu hàng và tiếp tục tăng những năm sau đó. Riêng với đầu máy, tới năm 2025, đường sắt chỉ còn 144 chiếc còn hạn dùng, tới năm 2035 còn 118 chiếc, tới năm 2045 còn 61 chiếc.
Theo Nghị định 65, đầu máy và toa xe chở khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng tối đa 45 năm và lộ trình thực hiện từ năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp vận tải đường sắt gặp khó khăn nên Chính phủ ban hành Nghị định 01/2022 điều chỉnh thời gian áp dụng niên hạn của phương tiện đường sắt đến cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Từ nay tới hết hạn trên, đầu máy tàu chạy dầu diesel, toa phát điện chạy dầu sẽ phải loại bỏ dần, thay bằng phương tiện chạy điện hoặc nhiên liệu xanh. Vì vậy, nếu thời điểm hiện tại đầu tư đầu máy, toa xe mới cũng chỉ khai thác tối đa là 22 năm nữa, tức thấp hơn niên hạn sử dụng, như vậy sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế và gây lãng phí.
Trên cơ sở đó, trong thời gian chờ sửa luật, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan để kéo dài thời điểm áp dụng niên hạn phương tiện giao thông đường sắt đến hết năm 2030.