Ngân hàng Nhà nước đề xuất lãi vay mua nhà ở xã hội giảm 3% so với mức lãi suất bình quân của ngân hàng tại dự thảo nghị quyết sửa đổi gói 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội.
Từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, kết quả giải ngân rất thấp.
Tính tới nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có 4 ngân hàng có vốn Nhà nước tham gia. Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng và thêm 4 ngân hàng TMCP tư nhân đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến nay, gói tín dụng này mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng. Agribank giải ngân được nhiều nhất.
Để hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ giảm lãi suất cho vay mua nhà, mức 3% so với lãi suất bình quân của 4 ngân hàng có vốn Nhà nước.
Như vậy, mức ưu đãi được đề xuất sẽ tăng thêm 1% so với mức áp dụng hiện nay là 2%. Thời gian xác định lãi suất cho vay 3 tháng/lần, được rút ngắn một nửa so với hiện nay.
Ngoài ra, thời gian vay ưu đãi cũng được đề xuất 5 năm thay vì 3 năm. Sau 5 năm tiếp theo, lãi suất cho vay tiếp tục được giảm, tùy theo điều kiện nền kinh tế lúc đó nhưng tối thiểu mức giảm 1-2%/năm. Không phải sau 5 năm, lãi suất cho vay sẽ được thả nổi.
Với chính sách cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xây dựng và triển khai dự án nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng như hiện nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cũng như các tập đoàn kinh tế lớn thúc đẩy cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng triển khai từ tháng 4 đã được Ngân hàng Nhà nước 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm. Nếu đề xuất được thông qua, người dân được hưởng lãi suất 6,5%/năm trong 5 năm.