Bất động sản

Nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng chậm giải ngân

Trang Nhi 16/01/2024 - 08:32

Bộ Xây dựng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng vẫn chậm giải ngân do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn.

Hiện gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất cần thiết, hỗ trợ tốt cho chủ đầu tư dự án và người mua nhà.

goi-tin-dung-120.000.jpg
Bộ Xây dựng cho biết, gói 120.000 tỷ đồng vẫn chậm giải ngân do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn.

Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp và người mua nhà rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này do thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định hồ sơ dài, mặt khác lãi suất vẫn cao (khoảng 8,2%/năm).

Bộ Xây dựng lý giải việc giải ngân gói 120.000 tỷ còn chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương đã có dự án tuy nhiên chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục đáp ứng điều kiện vay vốn; lãi suất gói 120.000 tỷ còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp hoặc người dân vay vốn.

Liên quan đến tình trạng nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, Bộ cho biết nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp và thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài...

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng. Kết quả, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn gần 180 tỷ đồng.

Hiện nay, mức lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ của ngân hàng thương mại áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024 đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 8%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án ở mức 7,5%/năm (giảm 0,2%/năm so với lãi suất áp dụng từ 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023).

Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp.

Trong đó, tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Đồng thời đôn đốc các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư.

Ngoài ra, Bộ cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ để có các giải pháp giúp chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người mua nhà tiếp cận được các gói tín dụng với lãi suất thấp và thời gian vay vốn kéo dài hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng chậm giải ngân